Kiên Giang:

Dân đảo Thổ Châu… sợ nhất là bị bệnh

(Dân trí) - Bà con xã đảo Thổ Châu quanh năm bám biển sinh sống, chịu hàng trăm con sóng dữ nhưng không lo sợ gì. Nhưng mỗi khi ngã bệnh hoặc trong nhà có người sinh nở… cả nhà “phát sốt” theo vì lo các y bác sĩ không xử lí được, chỉ biết chờ chết…

Xã Thổ Châu thuộc huyện Phú Quốc là xã đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang, cách đất liền khoảng 240km và cách huyện đảo Phú Quốc 120km. Do khoảng cách địa lý xa đất liền, nên 5 ngày mới có một chuyến tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu và chiều ngược lại.

Hiện nay trên xã đảo có khoảng 2.000 dân sinh sống, bà con nơi đây chỉ biết bám biển mưu sinh. Người giàu sắm tàu ghe ra khơi đánh cá, nuôi cá lồng bè hoặc làm nghề thu mua hải sản bán lại; người nghèo thì đi làm ngư phủ hoặc làm công ở các xưởng cá…

Nói chung đời sống người dân trên đảo Thổ Châu còn nhiều khó khăn, nhiều dịch vụ công ích còn thiếu trong đó chuyện khám chữa bệnh là nỗi lo thường trực của bà con trên đảo.

Người dân cho biết, ngoài những trang thiết bị như xét nghiệm, máy chụp x quang... bị hư hỏng thì hai bác sĩ của trạm y tế cùng đi học một lượt nên cũng gây khó khăn cho việc khám chữa bệnh
Người dân cho biết, ngoài những trang thiết bị như xét nghiệm, máy chụp x quang... bị hư hỏng thì hai bác sĩ của trạm y tế cùng đi học một lượt nên cũng gây khó khăn cho việc khám chữa bệnh

Anh Võ Trung Hậu, thuyền trưởng một tàu cá ở ấp Bãi Ngự, xã Hòn Thơm, cho biết: “Mấy năm gần đây đảo có sự phát triển, tuy nhiên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn lắm. Nhất là việc đi lại từ Thổ Châu vào Phú Quốc, Tp Rạch Giá, vì cả tuần mới có một chuyến tàu nên mỗi khi người dân có việc gấp như bệnh tình, sinh nở chuyển nặng thì khó khăn vô cùng. Còn vào mùa gió nam (tháng 5), biển động, nếu người dân có tiền thuê tàu 20 -30 triệu/chuyến thì chủ tàu cũng không dám chạy”.

Chị Lê Thị Lý - ấp Bãi Ngự cho biết, cả xã chỉ có một nữ hộ sinh nên việc sinh nở cũng như khám bệnh chị em phụ nữ gặp nhiều trở ngại. Nhất là những ca sinh khó, nếu mẹ tròn con vuông thì thôi còn gặp những tai biến sau sanh thì cũng phó mặc cho các y bác sĩ ở đây, chứ chở vô đất liền từ 17 - 20 giờ thì cũng khó lòng cứu kịp. Đặc biệt với những hộ nghèo tiền đâu bỏ ra 20 -30 triệu đồng thuê ghe?


Y sĩ Nguyễn Văn Thùy - Quyền Trưởng trạm y tế xã Thổ Châu thăm hỏi bệnh nhân

Y sĩ Nguyễn Văn Thùy - Quyền Trưởng trạm y tế xã Thổ Châu thăm hỏi bệnh nhân

Nữ hộ sinh duy nhất trên đào Trần Thị Hoàng Oanh chia sẻ: “Tôi ra đây công tác đã 3 năm và đã 3 năm không ăn tết với gia đình. Nhiều lúc muốn chuyển công tác nhưng thấy bà con ở đây còn nhiều khó khăn quá, nhất là việc điều trị bệnh, sinh nở. Có lần chứng kiến một công nhân bị tai nạn xe, chấn thương sọ não. Ở đây không điều trị được cần chuyển vào đất liền nhưng ngay mùa biển động, không ghe tàu nào dám nhận chở công nhân đó. Cuối cùng công nhân đó cũng qua đời mà chẳng có người thân nào bên cạnh… Gần đây có sự phối hợp với các y bác sĩ ở Bệnh xá quân dân y nên việc khám chữa bệnh có thuận lợi hơn nhưng nói chung cũng còn nhiều khó khăn lắm!”.

Do lực lượng nhân viên trạm y tế mỏng nên có khi các y bác sĩ ở đây phải trực tiếp ra tận xe chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu
Do lực lượng nhân viên trạm y tế mỏng nên có khi các y bác sĩ ở đây phải trực tiếp ra tận xe chuyển bệnh nhân vào phòng cấp cứu

Trao đổi với PV Dân trí anh Y sĩ Nguyễn Văn Thùy, Quyền Trưởng trạm y tế xã Thổ Châu, cho biết: Trạm y tế xã cũng được chính quyền địa phương trang bị tương đối đầy đủ, trạm có máy chụp x quang siêu âm, có máy xét nghiệm, phòng mổ… Về con người, tương đối đầy đủ, nhất là khi có sự hỗ trợ của các y bác sĩ ở Bệnh xá Quân dân y thuộc Trung đoàn 152 (Quân khu 9). Từ sự kết hợp của hai đơn vị đã thành lập tổ phẫu thuật và có thể giải quyết ngay trên đảo những trường hợp bệnh nặng như: phẫu thuật sản, ruột thừa cấp tính, vỡ gan…

Từ khi kết hợp với Bệnh xá Quân dân y thuộc Trung đoàn 152 (Quân khu 9) việc khám chữa bệnh cho người dân trên đảo có phần thuận lợi hơn
Từ khi kết hợp với Bệnh xá Quân dân y thuộc Trung đoàn 152 (Quân khu 9) việc khám chữa bệnh cho người dân trên đảo có phần thuận lợi hơn

Tuy nhiên, Y sĩ Thùy cũng thừa nhận việc khám chữa bệnh của người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, nhất là khi máy chụp x quang, máy xét nghiệm… chưa kịp sử dụng thì máy đã hư hỏng. Ngoài ra, 2 bác sĩ tại trạm xã đã đi học và nhất là đối với những loại bệnh cần tiếp máu thì rất khó khăn vì ở đây không có ngân hàng máu.

Để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân trên xã đảo Thổ Châu được tốt hơn, Y sĩ Thùy cũng kiến nghị, cơ quan chức năng ngành y tế tỉnh cần tăng cường y bác sĩ chuyên khoa sâu, nhất là khoa ngoại và khoa sản; cần tính đến phương cách có ngân hàng máu phục vụ cho khoa sản hoặc những ca cần tiếp máu. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cân đẩy nhanh tiến độ cung cấp tàu cao tốc hay trực thăng cho Thổ Châu để khi có những ca bệnh khẩn thì ở đây có phương tiện đưa bệnh nhân vào đất liền cấp cứu kịp thời.

Nguyễn Hành