1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Đà Nẵng:

Đảm bảo cấp cứu kịp thời cho người dân trong dịp tết

(Dân trí) - “Bắt đầu từ đầu tháng Chạp, Trung tâm cấp cứu (TTCC) không giải quyết cho bất cứ một trường hợp cán bộ nào nghỉ phép, ngoại trừ đau ốm”, Phó Giám đốc TTCC Đà Nẵng, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, cho biết.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng cho biết, ngay từ đầu tháng Chạp âm lịch, lãnh đạo TTCC đã lên kế hoạch phục vụ cấ cứu cho những ngày trước, trong và sau tết. Theo đó, tất cả các cán bộ của Trung tâm không ai được nghỉ phép trong thời gian này ngoại trừ trường hợp đặc biệt như đau, ốm.
 
Theo bác sĩ Hồng, người bệnh hay nạn nhân mỗi khi cần gọi cấp cứu mà xe không đến hoặc đến trễ là ảnh hưởng đến tính mạng. Người dân cũng hay phản ứng khi xe cấp cứu đến trễ.
 
Một trạm cấp cứu được đặt ngay tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng phục vụ cho quận Hải Châu và Thanh Khê
Một trạm cấp cứu được đặt ngay tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng phục vụ cho quận Hải Châu và Thanh Khê

Hiện tại TTCC Đà Nẵng có 10 xe được phân bố đều 5 trạm trên các quận huyện Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, Hải Châu, Cẩm Lệ và Liên Chiểu. Riêng tại quận Hải Châu được đặt 3 tổ để thực hiện việc cấp cứu ở trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Đối với việc trực cấp cứu Tết, bác sĩ Hồng nói: Trong đêm giao thừa, tại 2 điểm bắn pháo hoa, TTCC cũng bố trí 2 tổ trực từ 8 giờ tối đến khi nào kết thúc màn bắn pháo hoa. Còn ngày 27 tết thì TTCC cũng bố trí 2 xe và 2 tổ trực ở lễ hội đường hoa Bạch Đằng.

Bác sĩ Hồng cũng cho rằng trong những ngày cận tết và trong tết, các ca cấp cứu thường rơi vào trường hợp tai nạn giao thông hay tai nạn trong sinh hoạt, do đó công tác trực ca rất quan trọng. Đây cũng là tháng phức tạp nhất, các cán bộ của TTCC cũng vất vả nhất.

“Tuy vất vả nhưng các cán bộ ở TTCC Đà Nẵng đều xem đây là nhiệm vụ và trách nhiệm phục vụ xã hội của TTCC chúng tôi”, bác sĩ Hồng tâm sự.

Công Bính