Đảm bảo an toàn khi đồng loạt tiêm vắcxin Quinvaxem

Từ nay đến cuối tháng 11/2013, 63 tỉnh, thành phố sẽ đồng loạt tiêm vắcxin Quinvaxem. Cơ quan chức năng sẽ triển khai những biện pháp gì để đảm bảo an toàn tiêm chủng, hạn chế những biến chứng đáng tiếc?

 
GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
 
Đảm bảo an toàn khi đồng loạt tiêm vắcxin Quinvaxem

 

* Tháng 10/2013, mới có 15/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vắcxin Quinvaxem, nhưng cũng đã có nhiều bà mẹ phải đưa con tới viện vì các phản ứng phụ. Thực tế này có đáng lo ngại không, thưa GS? 

 

Theo báo cáo của Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đến thời điểm này đã có 38 tỉnh, thành phố triển khai tiêm lại vắcxin Quinvaxem, dự kiến các địa phương khác sẽ triển khai đồng loạt trong tháng 11 này.


Qua giám sát của ngành y tế các tỉnh cũng như các viện vệ sinh dịch tễ cho thấy, trong quá trình tiêm chủng, đúng là có một số trẻ có phản ứng sau tiêm, song tỷ lệ rất thấp, chủ yếu là phản ứng nhẹ như: Quấy khóc, sưng tại chỗ tiêm, sốt; một vài trường hợp có biểu hiện tím tái, co giật nhưng không nặng. Tất cả số trẻ đó đều được theo dõi, chăm sóc và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế. Hiện nay, sức khỏe của các cháu đã ổn định và được ra viện. Riêng có 1 trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng 5 ngày tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nhưng đã được xác định nguyên nhân tử vong do viêm phổi nặng, không liên quan đến tiêm chủng.


Như vậy, những phản ứng sau tiêm chủng vắcxin Quivaxem vừa qua đều là những phản ứng thông thường, nằm trong giới hạn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống kê.


Có thể thấy rõ nhận định trên từ thực tế triển khai tiêm chủng tại Hà Nội, qua phân tích báo cáo điều tra cho thấy, tới đầu tháng 11/2013, trong số 47.000 trẻ được tiêm thì có 113 ca phản ứng sau tiêm. Cụ thể, không có trường hợp nào phản ứng nặng, sốc phản vệ hoặc tử vong; phổ biến nhất là sốt cao khoảng 38,50C (tương đương 0,18%), sau đó là quấy khóc (0,05%), sưng đau đỏ tại chỗ (0,03%); tím tái (0,03%), co giật (0,02%); 37 trường hợp đến các cơ sở y tế thì sau đó sức khỏe các cháu đều trở lại bình thường và đã được xuất viện.


Trong khi đó, theo thống kê của WHO, các phản ứng nhẹ, thông thường ghi nhận ở vắcxin ho gà chứa thành phần toàn tế bào có thể lên tới 50%. Qua đó cho thấy, tỷ lệ phản ứng nhẹ sau tiêm chủng ở Việt Nam vẫn thấp hơn hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần so với tỉ lệ phản ứng mà WHO đã thống kê, khuyến cáo đối với vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào.

 

* Trên các trang mạng xã hội, nhiều bà mẹ có con nhỏ bày tỏ mong muốn cần phải thay đổi vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào (như vắcxin Quinvaxem đang sử dụng) sang loại vắcxin phối hợp thành phần ho gà vô bào để tránh những phản ứng phụ cho trẻ. Ngành y tế đã tính đến việc này chưa, thưa GS? 

 

Đây là vấn đề mà chúng tôi đã tính đến từ trước khi triển khai tiêm lại vắcxin Quinvaxem. Theo khuyến cáo của WHO, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi nước và nếu việc xảy ra những phản ứng phụ cho trẻ có ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng, thì nên thay thế bằng vắcxin phối hợp thành phần ho gà vô bào để tạo niềm tin cho người dân. Như vậy, việc xem xét đổi vắcxin chỉ là nhằm giảm tỷ lệ phản ứng phụ thường gặp (sưng, nóng, đỏ, đau...) chứ không phải do chất lượng không đảm bảo. WHO khẳng định, vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào cũng đảm bảo an toàn tương tự như vắcxin vô bào (tỷ lệ phản ứng nặng là như nhau).

 

Sau hơn 2 tháng triển khai Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, các địa phương trên cả nước đã thanh, kiểm tra 11.714 điểm tiêm chủng (đạt 83%) trong đó 8.336 điểm đủ điều kiện tiêm chủng (đạt 90%).
Tuy nhiên, cũng phải xem xét việc thay đổi vắcxin như nêu trên trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước nói chung và của ngành y tế nói riêng. Hiện nay, vắcxin Quinvaxem sử dụng trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia là do Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng viện trợ, thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc; nếu thay thế bằng vắcxin 5 trong 1 có chứa thành phần ho gà vô bào thì mỗi năm Nhà nước sẽ phải chi 730 tỷ đồng cho vắcxin này. Trong khi đó, năm 2013 Nhà nước chỉ cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia 240 tỷ đồng. Năm 2014, chúng tôi mới nhận thông báo là dự kiến số tiền này rút xuống chỉ còn 144 tỷ đồng. Như vậy, trong thời điểm này, đề xuất thay thế vắcxin Quinvaxem bằng vắcxin phối hợp thành phần ho gà vô bào, ít tác dụng phụ hơn, là rất khó khăn.


* Nhiều trạm trưởng trạm y tế tỏ ra rất bức xúc, không đồng tình về quy định mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm cho 50 trẻ/buổi tiêm. Làm thế nào để đảm bảo tất cả các điểm tiêm đều thực hiện đúng mọi quy định của ngành y, thưa GS?


Chúng tôi hiểu việc thực hiện quy định nêu trên đòi hỏi các điểm tiêm phải bố trí thêm nhân lực, thời gian, các cán bộ làm công tác tiêm chủng tại các địa phương phải nắm rõ cụ thể số lượng trẻ trên địa bàn, từ đó lên kế hoạch triển khai và thông báo lịch tiêm chủng cho các gia đình... Nhưng để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ, để cán bộ y tế có đủ thời gian để khám sàng lọc, tư vấn những kiến thức cần thiết để chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng... Bộ Y tế kiên quyết chỉ đạo y tế cơ sở thực hiện đúng các quy định đã đề ra.


Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các điểm tiêm chủng. Bên cạnh các đoàn giám sát của các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur đầu ngành, các địa phương cũng tiếp tục rà soát toàn bộ các điểm tiêm chủng trên địa bàn nhằm khắc phục những tồn tại. Yêu cầu đặt ra là chỉ những điểm tiêm chủng đủ điều kiện mới được phép tiến hành tiêm chủng.


* Xin cảm ơn GS!

 

Theo Phương Liên

Báo Tin tức