Đái tháo đường: Biến chứng là do lơ là kiểm soát đường huyết
(Dân trí) - Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF), Việt Nam hiện có khoảng 3,8 triệu người mắc đái tháo đường. Con số này được dự báo sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng hai thập kỷ tới.
Theo Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau tim mạch và ung thư. Thế nhưng, có đến hai phần ba người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán điều trị hoặc không biết mình mắc bệnh. Từ đó dẫn đến cứ hai người mắc đái tháo đường túyp 2 khi nhập viện thì một người đã có nhiều biến chứng nặng nề.
Tỷ lệ người đái tháo đường kiểm soát tốt đường huyết còn rất thấp
Trong số người mắc đái tháo đường đã được chuẩn đoán thì theo một nghiên cứu mới đây, chỉ có 36% số người mắc đái tháo đường ở Việt Nam kiểm soát tốt đường huyết, tức cứ 3 người thì chỉ 1 người có chỉ số HbA1C dưới 7%. Đây là con số đáng lo ngại bởi đái tháo đường không được quản lý tốt có thể gây ra hạ đường huyết và các biến chứng nguy hiểm liên quan đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh.
Hạ đường huyết (hypoglycemia) có thể xảy ra ở nhiều đối tượng nhưng hay gặp nhất là ở những người mắc đái tháo đường đang điều trị bằng một số loại thuốc viên tăng tiết insulin và điều trị bằng insulin. Tình trạng này xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường và có thể dẫn đến mờ mắt, khó tập trung, suy nghĩ lẫn lộn, nói lắp và buồn ngủ. Nếu đường huyết ở mức thấp quá lâu sẽ khiến não bị thiếu năng lượng, có thể dẫn đến co giật, hôn mê và đôi khi gây tử vong.
Những biến chứng nguy hiểm khác do đái tháo đường gây ra còn có:
Tim mạch: Đường huyết tăng cao gây nên rối loạn mỡ máu, nội mô khiến mạch máu bị tổn thương, làm hình thành các mảng xơ vữa dẫn đến giảm lượng máu nuôi dưỡng các cơ quan (tim, não, bàn chân…) hoặc tạo ra các cục máu đông gây nhồi máu, đột quỵ. Người mắc đái tháo đường có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn người bình thường 2-3 lần và có gần hai phần ba người mắc đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch.
Suy thận: Đường huyết tăng cao kéo dài sẽ làm tổn thương các mao mạch ở cầu thận, làm thận phải hoạt động quá mức, về lâu dài gây ảnh hưởng đến chức năng thận dẫn đến suy thận, buộc người bệnh phải điều trị bằng cách chạy thận hoặc ghép thận biến chứng suy thận xuất hiện ở khoảng 50% người mắc đái tháo đường.
Biến chứng bàn chân: Biến chứng xảy ra do tổn thương thần kinh và mạch máu nuôi ở bàn chân. Vết thương hoại tử ở bàn chân không lành, càng ngày càng nặng lên dẫn đến đoạn chi. Có đến 15% người mắc đái tháo đường bị loét bàn chân tại một thời điểm nào đó trong đời.
Biến chứng về mắt: Có tới hơn một phần ba số người mắc đái tháo đường có biến chứng về bệnh lý võng mạc. Mặt khác, đái tháo đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù lòa.
Chưa hết, người mắc đái tháo đường còn có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2 lần người bình thường do chịu áp lực khi phải kiểm soát đường huyết và tuân thủ chế độ ăn uống chuyên biệt... Nếu bị trầm cảm càng khiến tình trạng đái tháo đường trở nên khó kiểm soát và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm bởi người bệnh không quan tâm đến sức khỏe
Theo dõi đường huyết thường xuyên: Nhu cầu cấp thiết
Việc theo dõi đường huyết thường xuyên giúp người mắc đái tháo đường hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có ý thức tuân thủ tốt việc điều trị và điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp để giữ đường huyết ở mức an toàn. Các chỉ số đường huyết cũng là cơ sở giúp bác sĩ theo dõi được tình hình bệnh nhân để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
Tuy vậy, phương pháp kiểm tra đường huyết phổ biến hiện nay bao gồm nhiều thao tác, đòi hỏi người dùng phải chích máu ngón tay, gây đau và bất tiện khiến nhiều người e ngại thực hiện thường xuyên. Thêm vào đó, phương pháp truyền thống này chỉ cung cấp chỉ số đường huyết tại một thời điểm nhất định, ví dụ như chỉ số đường huyết đói lúc sáng sớm chứ không thể hiện bức tranh chi tiết về sự thay đổi đường huyết trong ngày.
Thực tế này cho thấy, rất cần có thêm phương thức đo và theo dõi đường huyết đơn giản, thuận tiện hơn, cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn cho người mắc đái tháo đường và bác sĩ để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động và đưa ra quyết định điều trị phù hợp để kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng.