1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đại học Y từ chối đào tạo, địa phương “khốn đốn” vì thiếu bác sĩ

(Dân trí) - “Nhiều năm qua, chúng tôi chạy khắp nơi cầu cứu, nhưng các trường Đại học Y tại TPHCM từ chối đào tạo theo địa chỉ. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lên phương án nhờ Thái Lan và Malaysia đào tạo bác sĩ, nhưng bằng do hai nước trên cấp chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.”

Bộ trưởng Y tế thị sát công tác khám chữa bệnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Bộ trưởng Y tế thị sát công tác khám chữa bệnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Đó là phát biểu thể hiện sự trăn trở và lo lắng của ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về các vấn đề y tế trên địa bàn tỉnh (ngày 17/5).

Cơ sở y tế khang trang, hoạt động cầm chừng

Trước đó, Bộ trưởng Y tế đã trực tiếp thị sát ba cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gồm Trạm y tế xã An Ngãi (huyện Long Điền); Trung tâm Y tế huyện Long Điền; Bệnh viện Bà Rịa. Bên cạnh niềm vui khi thấy cơ sở hạ tầng tại đây được xây dựng khang trang, hiện đại, Bộ trưởng Kim Tiến đã bày tỏ sự lo ngại khi thực tế nguồn nhân lực tại đây đang bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Bệnh viện Bà Rịa hiện đại như khách sạn hạng sang nhưng...
Bệnh viện Bà Rịa hiện đại như khách sạn hạng sang nhưng...

Cả trạm y tế xã An Ngãi chỉ có 6 nhân sự với 1 bác sĩ từ Trung tâm Y tế luân chuyển về trạm khám bệnh mỗi tuần một lần. Số bệnh nhân đến khám bệnh tại đây mỗi ngày chỉ giao động từ 6 đến 10 người bệnh nên Trạm Y tế An Ngãi gần như trong tình trạng bị bỏ không. Trung tâm Y tế huyện Long Điền, quy mô 80 giường bệnh được đầu tư xây dựng mới với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng, thực hiện nhiệm vụ điều trị và dự phòng nhưng chỉ có 16 bác sĩ, song không có bác sĩ thuộc lĩnh vực dự phòng.

Bệnh viện Bà Rịa, nơi được xem là “thủ phủ” của ngành y tế tỉnh trong lĩnh vực điều trị với kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quy mô 700 giường bệnh trong tòa nhà 17 tầng, khang trang như khách sạn hạng sang. Tuy nhiên, tổng số bác sĩ tại đây chỉ có 137 người, bệnh viện đang còn thiếu 35 bác sĩ nhưng tuyển mãi chưa được.

...mới hơn 10 giờ số người đến đăng ký khám bệnh đa vắng bóng
...mới hơn 10 giờ số người đến đăng ký khám bệnh đa vắng bóng

Báo cáo trước Bộ trưởng, ông Nguyễn Thái An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, tổng số nhân viên y tế trên địa bàn chỉ có 3.082 người, tỷ lệ bác sĩ là 6,5/vạn dân (bình quân cả nước là 8 bác sĩ/vạn dân). Số giường bệnh là 16,8/vạn dân. Một số cơ sở y tế đặc thù như Bệnh viện Tâm Thần, Bệnh viện Lao cả chục năm qua không tuyển được bác sĩ nào. Số bác sĩ hiện có đã sắp đến tuổi về hưu, nếu tình trạng trên tiếp diễn thì sắp tới các bệnh viện này sẽ không còn bác sĩ.

“Nhọc lòng” tìm đường đào tạo bác sĩ

Phân tích của ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ ra: Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh nằm trong khối khu vực Đông Nam Bộ, địa bàn đang “đội sổ” cả nước về tình trạng thiếu nguồn nhân lực y tế. Cũng như các tỉnh Bình Dương – Đồng Nai, Vũng Tàu không được đặc cách để cử tuyển nhân lực ngành y.

“Nhiều năm qua, chúng tôi đã phải “lao tâm khổ tứ” để tìm hướng đào tạo, tăng lực lượng bác sĩ cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, khi làm việc với Đại học Y Dược, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM thì cả hai trường này đều từ chối, không cho đào tạo theo địa chỉ. Hiện nay, chỉ có trường Đại học Y Cần Thơ chấp nhận đào tạo theo địa chỉ giúp chúng tôi. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được gửi đi học tại đây rất hạn chế so với nhu cầu thực tế của tỉnh.

Nhân lực ngành y tế thiếu nghiêm trọng đang gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức nhân dân
Nhân lực ngành y tế thiếu nghiêm trọng đang gây khó khăn cho công tác chăm sóc sức nhân dân

Cũng theo ông Dũng, những năm qua tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút bác sĩ về làm việc như tài trợ lại toàn bộ chi phí đào tạo, tăng phụ cấp, trợ cấp… Tuy nhiên, trên thực tế không bác sĩ nào tham gia ứng tuyển. Tuyển dụng không được, đào tạo trong nước thì “kín cổng, cao tường” nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lên kế hoạch gửi nhận sự nhờ Thái Lan và Malaysia đào tạo giúp bác sĩ. Tuy nhiên, bằng do hai nước trên cấp lại chưa được phép lưu hành tại Việt Nam nên kế hoạch trên cũng không thực hiện được.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm tăng thêm các trường đào tạo về y dược, mở rộng quy mô đào tạo của các trường Đại học Y Dược hiện hữu trên cả nước. Cho phép các trường Đại học Y Dược đào tạo theo địa chỉ với tiêu chí tuyển sinh dưới điểm chuẩn nhưng cao hơn điểm sàn để tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh khác có thể phát triển được nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.” Ông Dũng đề xuất.

Trung tâm Y tế huyện Long Điền chỉ có 16 bác sĩ nhưng không có bác sĩ lĩnh vực dự phòng
Trung tâm Y tế huyện Long Điền chỉ có 16 bác sĩ nhưng không có bác sĩ lĩnh vực dự phòng

Từ thực tế khảo sát, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn nhìn nhận: “Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng y tế rất khang trang. Tuy nhiên, y tế tỉnh chưa thực hiện được kỹ thuật cao trong các lĩnh vực tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình, sản – nhi. Nguyên nhân của tình trạng trên chính là do thiếu nguồn nhân lực đặc biệt là các bác sĩ có chuyên môn giỏi.”

Bộ trưởng chia sẻ, giữa Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo đến nay vẫn chưa tìm được sự thống nhất trong việc đào tạo bác sĩ theo địa chỉ. Sau đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản đề xuất các phương án gửi đến Bộ Y tế cùng Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ trưởng Kim Tiến khẳng định sẽ tham mưu lên Chính phủ đề nghị cho phép các trường Đại học Y tại TPHCM “mở cửa” đào tạo bác sĩ theo địa chỉ để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế đang xảy ra tại các tỉnh Đông Nam Bộ.

Vân Sơn