"Đại dịch" đái tháo đường tăng chóng mặt

Hồng Hải

(Dân trí) - TS.BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cảnh báo, tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, căn bệnh này tăng gần 3 lần sau hơn 20 năm.

Chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp đông - tây y trong chẩn đoán, điều trị đái tháo đường diễn ra sáng 28/7 do Hội Đông y Việt Nam tổ chức, TS Phan Hướng Dương nêu thực trạng đáng báo động về bệnh đái tháo đường.

Đại dịch đái tháo đường tăng chóng mặt - 1

Bệnh đái tháo đường có thể phát hiện dễ dàng nhờ thử đường máu (Ảnh: T.A).

"Bệnh đái tháo đường ở Việt Nam gia tăng rất nhanh. Điều tra quốc gia trên quy mô toàn quốc ở lứa tuổi 30-69 tuổi, năm 2002 khoảng 2,3% mắc đái tháo đường. 10 năm sau tỷ lệ này tăng lên 5,4% và kết quả điều tra mới nhất năm 2021, tỷ lệ này là 7,1%", TS Dương cho biết.

Theo đó, ở Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng nói, căn bệnh này không chỉ gặp ở người già như trước đó mà ngày càng trẻ hóa, liên quan nhiều đến lối sống ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh dẫn đến béo phì.

"Nhiều người chủ quan nghe đái tháo đường nghĩ căn bệnh bình thường. Nhưng đây là căn bệnh tác động đến nhiều cơ quan của cơ thể, gây nhiều biến chứng về mắt, thận, cắt cụt chi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Có nhiều bệnh nhân trẻ 35-40 tuổi sau 5 năm mắc đái tháo đường đã mờ mắt, suy thận...", TS Dương cảnh báo.

Về điều trị căn bệnh này, theo TS Dương, quản lý chặt đường huyết là rất quan trọng. Nền tảng điều trị bệnh đái tháo đường là tây y (thuốc insulin, thuốc hạ đường huyết), kết hợp dinh dưỡng, vận động. Tuy nhiên, sự phối hợp với đông y mang lại nhiều ý nghĩa điều trị.

"Ngay tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương chúng tôi cũng kết hợp giữa đông tây y. Với những bệnh nhân có biến chứng thần kinh, ngoài dùng thuốc tây y kiểm soát đường huyết, chúng tôi đánh giá cao châm cứu giúp giảm biến chứng thần kinh.

Có những bệnh biến chứng thần kinh chân tay tê buốt đến mức không ngủ được, khi phối hợp cùng châm cứu, tình trạng cải thiện rõ rệt. Hay bệnh nhân sau tai biến, phối hợp với đông y và phục hồi chức năng", chuyên gia này cho biết.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong phối hợp điều trị tiểu đường, bác sĩ đông y không bao giờ bỏ thuốc tây người bệnh đang dùng, mà cần kết hợp.

Trong đông y, đái tháo đường là chứng hư, đông y có vai trò nâng cao sức người bệnh, bổ sung để chức năng cơ thể tốt lên.

"Ví dụ người đái tháo đường đang bị tê tay, đông y phối hợp giúp họ hết tê tay. Bệnh nhân đái tháo đường nam giới có suy giảm chức năng sinh lý, dùng đông y để phục hồi chức năng này", PGS Cảnh nói.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, đái tháo đường là bệnh lý phức tạp, liên quan nhiều chức năng trong cơ thể. Vì thế, người bệnh không thể tự điều trị, tự mua các loại thuốc tễ, thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

"Thuốc đông y phải có nguồn gốc rõ ràng, tại các bệnh viện, đơn vị được cấp phép. Tuyệt đối không dùng bừa bãi, tiền mất, tật mang, thậm chí trả giá bằng tính mạng", chuyên gia này cảnh báo.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân duy trì chế độ ăn lành mạnh, vận động thể dục thể thao, hạn chế các đồ ngọt, nước uống có ga, thức ăn nhanh... và duy trì khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm đường huyết để kịp thời phát hiện, quản lý bệnh đái tháo đường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm