1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đại biểu QH tranh luận về "thanh niên khoẻ mạnh nằm viện"

Bàn về việc sử dụng quỹ BHYT, khi đại biểu Quốc hội Lê Bình Nhưỡng thắc mắc việc nhiều thanh niên rất khoẻ mạnh nằm trên chiếc giường bệnh kê ngoài hành lang bệnh viện, Giám đốc BV Trung ương Huế nêu lên những áp lực đối với bác sĩ và khẳng định "nếu người ta có bệnh thì không thể cho ra viện được".

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại hội trường Quốc hội
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại hội trường Quốc hội

Tại diễn đàn Quốc hội (QH) ngày 2/11, nhiều đại biểu (ĐB) đã đề cập đến nội dung trích lập, sử dụng quỹ BHYT và chất lượng công tác khám, chữa bệnh khi thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thẳng thắn cho biết hiện nay, tình trạng ở các bệnh viện rất nhốn nháo, bác sĩ không còn tâm trí nào để chữa bệnh do bảo vệ ít, rất dễ bị người nhà bệnh nhân cũng như những kẻ khác đến hành hung.

"Tôi cho rằng quản lý như thế này không thể nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Người dân và bác sĩ luôn luôn là đối tượng rất lo lắng trước tình trạng tiêu cực, côn đồ của một số kẻ vào những nơi lẽ ra cần phải được miễn nhiễm với tiêu cực. Cần xem xét lại công tác quản lý của ngành y tế"- ông Nhưỡng đề xuất.

Đề cập đến tình hình trích lập và sử dụng quỹ BHYT, ĐB Nhưỡng đặt câu hỏi việc giữ tiền là hoàn toàn chính đáng, bảo đảm quyền lợi của người dân, người chủ sở hữu chứ không thể chi tiền tràn lan. Đấu thầu thuốc lần thứ nhất đã giảm hơn 500 tỉ đồng nhưng tiền để đấu thầu thuốc hay xảy ra như vụ VN Pharma thì chúng ta có nên chi tiền của BHYT mà người dân đóng không?

"Tôi vừa đi khảo sát tại các bệnh viện, có chụp ảnh mang về cho thấy giường kê hết ra bên ngoài hành lang. Nhiều thanh niên rất khoẻ mạnh cũng nằm trên những chiếc giường đó, ngay tại Hà Nội"- ĐB Lê Bình Nhưỡng thắc mắc.

ĐB Phạm Như Hiệp (ĐB Thừa Thiên - Huế, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) tranh luận: "Là người làm trong bệnh viện, tôi biết không ai thích nằm trong bệnh viện hết. Nếu có bệnh nhân trai tráng như ĐB Nhưỡng nói thì tôi không hiểu bệnh nhân đó nằm ở vị trí nào.

Chúng tôi chịu áp lực rất nhiều, nếu bệnh nhân đề nghị mổ mà mình không mổ sau này có tai biến, họ có thể thắc mắc hoặc kiện. Rồi chúng tôi muốn điều trị bằng kỹ thuật này nhưng bệnh nhân muốn kỹ thuật kia, mình không thể theo bệnh nhân được nhưng áp lực vẫn có. Bệnh nhân trai tráng nằm ở bệnh viện, nếu người ta có bệnh thì không thể cho ra viện được".

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng góp thêm tiếng nói khi nêu quan điểm: "Nếu nhân viên y tế vừa làm vừa lo thiếu phương tiện thuốc men, bị chậm trả lương, bị gia đình người nhà bệnh nhân bạo hành thì không từ mẫu nào có thể yên tâm làm việc được".

Cũng là người làm việc trong ngành y, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội, nguyên giám đốc Bệnh viện huyết học và truyền máu Trung ương) cho rằng Luật BHYT đã dần lỗi thời, cần sửa theo hướng BHYT phải có mệnh giá, thanh toán BHYT cũng phải có trần theo mệnh giá.

Bên cạnh đó cần có chính sách ưu tiên cấp thẻ BHYT cho người nghèo ở mệnh giá cao nhất có thể, cho người bệnh có quyền chọn cơ sở chữa bệnh, thầy thuốc, dịch vụ y tế, xét nghiệm...

Còn thầy thuốc, bệnh viện có quyền lựa chọn phác đồ tốt nhất có thể để điều trị cho bệnh nhân.

Mâu thuẫn trong chi trả BHYT hiện nay là do cơ chế đang tạo ra những nút thắt, ngành y tế thì cần có kinh phí để khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong khi BHYT phải cố gắng để giữ tiền, không được để vỡ quỹ. Hiện nay, việc thanh quyết toán giữa bệnh viện và BHYT nhiều khi gặp trục trặc. Những lúc như thế hai bên thường ngồi lại trao đổi, tháo từng nút thắt theo cách vừa có tình vừa có lý.

"Nếu có bên thắng, bên thua thì bệnh nhân là người thiệt thòi nhất. Phải hai bên cùng thắng thì bệnh nhân mới thắng. Về lâu dài cần sửa đổi cơ chế, đừng để xã hội, nhân dân thi thoảng lại giật mình vì thông tin vỡ quỹ BHYT"- ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Theo T.Hà

Người lao động