Cứu thêm nhiều người bệnh đến viện muộn nhờ can thiệp đột quỵ não bằng điện quang

(Dân trí) - Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội điện quan và Y học hạt nhân Việt Nam, ứng dụng điện quang trong điều trị đột quỵ não mở ra cơ hội sống cho những người bệnh đến viện không còn ở “giờ vàng” để áp dụng tiêu sợi huyết. Đến viện càng sớm sau đột quỵ, người bệnh càng có cơ hội hồi phục cao.

Ngày 20/4, tại Hội nghị Điện quang can thiệp Toàn quốc lần thứ 6, GS Thông cho biết, kỹ thuật điện quan can thiệp rất mới trên thế giới nhưng đã áp dụng thành công tại Việt Nam.

Một ca can thiệp nút mạch được các bác sĩ BV Bạch Mai thực hiện, hướng dẫn các bác sĩ tại BV Đa khoa Bắc Ninh.
Một ca can thiệp nút mạch được các bác sĩ BV Bạch Mai thực hiện, hướng dẫn các bác sĩ tại BV Đa khoa Bắc Ninh.

Việt Nam cũng là nước thực hiện nhiều nhất, thành công nhiều nhất các ca can thiệp điện quang trong việc lấy huyết khối điều trị đột quỵ não so với các nước Đông Nam Á, thành công sánh ngang Singapore và Thái Lan. Ứng dụng các kỹ thuật cao trong chẩn đoán và can thiệp điều trị một số bệnh mạch máu não, đặc biệt kỹ thuật lấy huyết khối trong điều trị nhồi máu não tối cấp do tắc động mạch lớn đã gia tăng với khoảng 900 ca được điều trị bằng kỹ thuật này năm 2017 (tăng khoảng 100% so với năm 2016) cứu sống nhiều bệnh nhân khỏi tàn tật.

“Trên thế giới, phác đồ điều trị đột quỵ não là sử dụng thuốc tiêu sợi huyết. Tuy nhiên, tiêu sợi huyết chỉ thông được các mạch nhỏ, không tiêu được các mạch lớn. Nếu không can thiệp tắc mạch sẽ ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, việc loại bỏ huyết khối bằng ứng dụng điện quang giúp người bệnh có cơ hội hồi phục thêm 50 – 60%”, GS Thông nói.

Vì vậy, với các trường hợp đột quỵ não đến viện trong thời gian vàng (6 tiếng kể từ thời điểm đột quỵ), thuốc tiêu sợi huyết được lựa chọn. Nhưng với những trường hợp huyết mạch lớn không tiêu được, bác sĩ sẽ chỉ định lấy huyết khối bằng can thiệp. Tại BV Bạch Mai can thiệp lấy huyết khối rất thành công. Trung bình mỗi năm tại đây có khoảng 150 bệnh nhân được can thiệp lấy huyết khối thành công.

Đáng nói, nhờ phối hợp giữa tiêu sợi huyết và phương pháp này, những bệnh nhân đến viện muộn không còn ở giờ “vàng” để dùng tiêu sợi huyết sẽ có thêm cơ hội sống. Phương pháp này cho phép mở rộng thêm thời gian để cứu bệnh nhân đột quỵ não.

GS Thông cho biết thêm, trước đó, lĩnh vực điện quan can thiệp được thực hiện đơn lẻ tại các bệnh viện, nên việc thực hiện các kỹ thuật can thiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các trang bị máy chụp mạch số hóa xóa nền, vật liệu can thiệp rất đắt tiền chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam và bệnh nhân không đủ khả năng chi trả. Các bệnh viện chỉ thực hiện được một số kỹ thuật rất đơn giản như chụp mạch máu, nút động mạch phế quản để cầm máu, chụp mạch chi…

Từ năm 2010 đến nay, khi Chi Hội Điện quang can thiệp mới được thành lập, điều kiện kinh tế phát triển, các Bệnh viện được trang bị các máy móc chụp mạch hiện đại tới các tuyến tỉnh, các vật liệu can thiệp sẵn có và đặc biệt đã được Bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí giúp tạo điều kiện cho các bệnh nhân tiếp cận được các kỹ thuật cao; có sự chuyển giao kỹ thuật của các chuyên gia Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đài Loan…đến nay trên toàn quốc đã có khoảng 30 Bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật Điện quang can thiệp, trong đó có khoảng gần 20 đơn vị có thể thực hiện được các kỹ thuật Điện quang can thiệp Thần kinh.

GS Thông cho biết, trong thời gian tới sẽ mở rộng điều trị điện quang can thiệp với nhiều bệnh lý khác ngoài đột quỵ não, trong đó gồm cả các bệnh lý thần kinh, ung thư gan…

“Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia, giáo sư nổi tiếng nhất thế giới về lĩnh vực này đến giảng bài, thực hiện trực tiếp trên mô hình để mở rộng kiến thức cho các bác sĩ tại các tỉnh, giúp tăng cường hiệu quả điều trị, giảm thời gian nằm viện của người bệnh", GS Thông nói.

Hội nghị Điện quang can thiệp Toàn quốc lần thứ 6 có sự tham dự khoảng 250 các Giáo sư, Bác sĩ và 12 khách mời quốc tế là các giảng viên trong lĩnh vực Điện quang can thiệp Thần kinh, ngoại biên, can thiệp các tạng có uy tín trên thế giới đến từ Pháp, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, và có sự tham dự của các nước khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Philipine.

Chủ đề về can thiệp lấy huyết khối trong đột quỵ não cấp rất được chú ý. Đây là lĩnh vực đang rất thời sự trên toàn Thế giới và tại Việt Nam, thể hiện tính ưu việt trong hiệu quả điều trị giúp cứu sống rất nhiều người bệnh trong giai đoạn giờ vàng.

Ngoài ra các nội dung về bệnh lý phình động mạch não phức tạp, can thiệp nút mạch trong bệnh lý dị dạng mạch tuỷ, mạch ngoại biên, các lĩnh vực mới điều trị đốt sóng cao tần các tổn thương tuyến giáp lành tính, điều trị đốt các búi giãn tĩnh mạch chi, các kỹ thuật Điện quang can thiệp giảm đau trong ung thư và loãng xương, nút mạch cấp cứu chảy máu do chấn thương, nút các tĩnh mạch vành vị để kiểm soát chảy máu tiêu hóa, kỹ thuật hút chân không lấy tổn thương vú, đặc biệt kỹ thuật mới bơm hóa chất chọn lọc qua động mạch mắt nhằm điều trị bảo tồn mắt trong bệnh lý u nguyên bào võng mạc hay gặp ở trẻ em... cũng được thảo luận.

Hồng Hải