Cứu sống trẻ suy dinh dưỡng bào thai nặng bằng kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim

(Dân trí) - Lần đầu tiên ở Việt Nam, một một trẻ sơ sinh thấp cân 2kg chỉ mới 2 ngày tuổi mắc bệnh nhịp tim chậm, suy tim nặng đã được cứu sống bằng phương pháp phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn không giấu được sự vui mừng khi ông cùng với ê-kip các y bác sĩ của bệnh viện cứu được bệnh nhi ít ngày tuổi nhất, cân nặng thấp nhất vốn được tiên lượng khả năng tử vong sẽ rất cao, vừa được chuyển cấp cứu BV Phụ sản Trung ương khi mới 6 giờ tuổi.

Theo đó, bệnh nhi là cháu bé Trần Văn Duyệt (sinh ngày 4/12/2013, quê ở xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), bị bệnh nhịp tim chậm, suy tim nặng ngay khi vừa mới sinh ra. Nhịp tim của bé Duyệt chỉ đạt 45 lần/phút, trong khi nhịp tim bình thường của trẻ là 120 lần / phút.
 
Cứu sống trẻ suy dinh dưỡng bào thai nặng bằng kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã áp dụng kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim để cứu sống bé sơ sinh Trần Văn Duyệt mắc bệnh nhịp tim chậm
 
“Lúc tiếp nhận bệnh nhi, chúng tôi đánh giá xác suất tử vong của bé rất cao với 3 nguy cơ lớn là: bé bị suy dinh dưỡng bào thai nặng; tim của bé đập rất chậm và gây hậu quả là suy tim nặng. Sau khi nhập viện bé đã được hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, nhưng tình trạng suy tim vẫn tiếp tục tiến triển. Phương pháp duy nhất để có thể cứu bé lúc đó là cấy máy tạo nhịp tim, tuy nhiên tiên lượng hiệu quả của phương pháp cũng rất khó khăn mặc dù kĩ thuật cũng khó thực hiện trên trẻ cân nặng rất thấp. Sau khi hội chẩn các khoa liên quan cùng nhóm bác sĩ phẫu thuật, cuộc phẫu thuật đã được tiến hành hết sức khẩn trương với sự hồi sức tích cực trước trong và sau mổ. Và kết quả thật bất ngờ, sau 18 tiếng trẻ đã thoát được máy thở và chức năng tim trở lại bình thường không còn phụ thuộc vào các thuốc trợ tim và vận mạch. Hiện nhịp tim bé đã trở lại gần bình thường theo sự kích thích của máy, tình trạng như đứa trẻ bình thường”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
 
và sau khi được cấy máy tạo nhịp tim

Hình ảnh X-quang của bé Duyệt trước khi phẫu thuật
Hình ảnh siêu âm của bé Duyệt trước khi phẫu thuật
và sau khi được cấy máy tạo nhịp tim

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim không phải là kỹ thuật mới mà đã được Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện gần 6 năm nay. Ngoài ra, một số ít bệnh viện lớn trên toàn quốc cũng đã thực hiện kỹ thuật này nhưng chủ yếu trên đối tượng bệnh nhân người lớn hoặc trẻ lớn. Điều đặc biệt với bệnh nhân này là trẻ sơ sinh cân nặng thấp nhất và nguy cơ tử vong cao đầu tiên tại Bệnh viện Nhi TW đã được điều trị thành công bằng kĩ thuật cấy máy tạo nhịp. Đây cũng là trường hợp bệnh nhân thấp cân nhất được ghi nhận tại Việt Nam.

“Sở dĩ kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim rất ở bệnh nhân thấp cân dạng nặng rất khó là do kích thước cơ thể của trẻ quá nhỏ, quả tim nhỏ, hệ mạch máu cũng rất nhỏ. Trên thế giới, kỹ thuật này cũng được áp dụng cho trẻ sơ sinh thấp cân nhưng tỷ lệ tử vong vẫn rất cao, thành công này của chúng tôi thực sự là một sự khích lệ cho những cố gắng của tập thể y bác sĩ trong việc áp dụng kỹ thuật cao vào việc cứu người”, bác sĩ Hải nhận định. 
 
Bác sĩ Hải còn cho biết thêm, bệnh nhịp tim chậm do block nhĩ thất ở bào thai được ước tính 10.000 thai nhi thì có 1 trường hợp mắc phải căn bệnh này. Mỗi năm có 2 triệu trẻ em ra đời thì sẽ có khoảng 200 trẻ mắc phải bệnh nhịp tim chậm. Đối với thai nhi mắc căn bệnh này khoảng một phần ba sẽ tử vong ngay trong thời kì bào thai hay còn gọi là thai chết lưu, số còn lại được sinh ra nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời khoảng 20% sẽ tử vong trong thời kì sơ sinh.
 
và sau khi được cấy máy tạo nhịp tim

Hiện tại sức khỏe bé Duyệt đã hoàn toàn bình thường. Máy tạo nhịp tim được đặt trong cơ thể của bé được duy trì từ 7 đến 10 năm mới phải thay mới
 
Chẩn đoán nhịp tim chậm ở bào thai có thể xác định được ngay từ tuần thứ 20 của thời kì thai nghén. Trước đây, khi phát hiện thai nhi bị căn bệnh này, nhiều người đã quyết định hủy thai. Hoặc nhiều trong số đó sẽ là thai lưu hoặc tử vong sau sinh do không được tư vấn, theo dõi và can thiệp kịp thời. Bằng việc theo dõi sát thai nhi bị căn bệnh này, khi có dấu hiệu phù thai thì gây đẻ sớm và cấy máy tạo nhịp sẽ tăng khả năng cứu sống. Việc áp dụng thành công kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim cho bệnh nhi, nhất là với bệnh nhi thấp cân, sẽ đem lại cơ hội sống cho rất nhiều trẻ”, bác sĩ Hải khẳng định.
 
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim cho bệnh nhi ở Singapore có chi phí lên tới 35.000 USD, trong khi kỹ thuật này ở Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ mất khoảng 5.000 USD, và đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí hoàn toàn.
 
 Bạn đọc Dân trí có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ khi phát hiện con em mình mắc bệnh rối loạn nhịp tim, có thể đến Phòng khám Rối loạn Nhịp tim, Bệnh viện Nhi Trung ương hoặc gọi điện theo số 04.6273.8505 trong giờ hành chính để được tư vấn và giúp đỡ.        
Thế Nam