1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

BV 108:

Cứu sống một phụ nữ bị cướp khống chế, cắt đứt khí quản

Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cứu sống một phụ nữ bị tên cướp khống chế, cắt đứt gần hoàn toàn khí quản.

Khoảng 17g16 phút ngày 28/10/2016, nạn nhân nữ, sinh năm 1980, làm việc tại Hà Nội, bị tên cướp khống chế, cắt đứt gần hoàn toàn khí quản.

Nạn nhân được đưa đến cấp cứu tại Khoa Cấp cứu ban đầu – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trong tình trạng suy hô hấp cấp, SpO2 < 70%, tím tái, vật vã, tại chỗ khí phì phò qua vết cắt có lẫn máu tươi, được kíp trực Khoa Cấp cứu ban đầu, đặt ống nội khí quản qua vết thương, hồi sức tổng hợp, đưa vào phòng mổ cấp cứu.

Cứu sống một phụ nữ bị cướp khống chế, cắt đứt khí quản - 1

Tại phòng mổ, nạn nhân được mổ cấp cứu, mở rộng vết thương, kiểm tra: khí quản sát sụn giáp bị cắt đứt gần hoàn toàn, thùy phải tuyến giáp bị cắt đứt ở 1/3 trên, động mạch giáp trạng trên bị rách, kíp phẫu thuật tiến hành thắt động mạch giáp trạng trên, sửa lại vết thương của khí quản, khâu nối khí quản tận-tận.

Sau mổ nạn nhân được đưa về Khoa Hồi sức, theo dõi, điều trị tích cực. Hiện tại, bệnh nhân ổn định hoàn toàn, nói rõ, sinh hoạt bình thường.

Qua trường hợp cấp cứu khẩn cấp, chúng tôi nhận thấy bệnh nhân được cấp cứu khẩn trương, chính xác, hợp đồng giữa các bộ phận nhịp nhàng, làm việc theo nhóm có hiệu quả cao. Đây chỉ là một trong những trường hợp cấp cứu khẩn cấp mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công.

Theo các bác sĩ, việc sơ cứu ban đầu tại hiện trường giúp cầm máu cho nạn nhân trước khi chuyển đến bệnh viện được coi là một trong những kỹ năng sinh tồn cần phải có.

Ở vùng cổ có một động mạch khá lớn là động mạch cảnh, nằm ngay dưới da cho nên chỉ một vết cắt qua da đã có thể gây tổn thương mạch cảnh (dân gian hay gọi là “cắt tiết”), máu sẽ phun ra. Việc đầu tiên, nếu nạn nhân là người lớn cần ngay lập tức cố gắng dùng tay đối diện ép chặt vào vết thương, mục đích để máu ngừng chảy. Người bên ngoài khi đến cạnh nạn nhân việc đầu tiên không phải là khẩn trương bế sốc nạn nhân lên mà với những dụng cụ tại chỗ mà chúng ta kiếm được như khăn giấy, miếng vải, khăn mặt, thậm chí có thể xé áo, quần, bất cứ thứ gì có thể được… ép vào vết thương cần cầm máu ngay lập tức.

Trong sơ cứu thì kỹ thuật băng ép là kỹ thuật cơ bản để cầm máu. Tuy nhiên ở cổ có đặc thù là nếu băng ép không đúng cách lại làm chẹt đường thở khiến nạn nhân không thở được. Do đó cần đặt một vật như thanh gỗ nhỏ chẳng hạn vào phía đối trọng sau đó băng ép và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, như vậy có thể cứu được bệnh nhân.

Theo PV

Khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Bệnh viện TƯQĐ 108

Sức khỏe & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm