Cứu sống bệnh nhi sốc suy thận, hôn mê vì sốt xuất huyết

(Dân trí) - Bệnh nhân may mắn vừa thoát khỏi “cửa tử” là bé trai N.H.P. (8 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long). Trước đó, cháu bị sốt cao liên tục 3 ngày, đến ngày thứ 4 tình trạng sốt nặng thêm kèm theo đau bụng, ói ra dịch lợn cơn nâu, tay chân lạnh, vật vã được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ.

Ngày 9/9, thông tin từ BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ kịp thời cứu sống một cháu bé rất nguy kịch vì biến chứng sốt xuất huyết.

Lọc máu liên tục là kỹ thuật cứu cánh cho những bệnh nhi bị biến chứng nặng do sốt xuất huyết
Lọc máu liên tục là kỹ thuật cứu cánh cho những bệnh nhi bị biến chứng nặng do sốt xuất huyết

Trước đó, tại bệnh viện Cần Thơ, dù được điều trị sốt xuất huyết tích cực trị theo phác đồ nhưng, diễn tiến bệnh ngày càng phức tạp. Trẻ rơi vào sốc kéo dài, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng, suy hô hấp nặng. Bệnh viện đã phải hỗ trợ thở máy với thông số cao, điều trị rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa bằng truyền tĩnh mạch huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu đậm đặc.

Đến ngày thứ 7 của bệnh, trẻ có biểu hiện suy thận cấp, tổn thương gan, hôn mê, tổn thương phổi. Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đã tiến hành hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Nhi Đồng 1 để tìm giải pháp cứu chữa. Xác định, bệnh nhi đang trong cơn nguy cấp, nếu chuyển viện, nguy cơ tử vong trên đường đi. Ngay lập tức, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã điều ê kíp lọc máu về hỗ trợ các đồng nghiệp tại Cần Thơ.

Sau lọc máu đợt 1, các chỉ số sinh hiệu của trẻ bắt đầu cải thiện, an toàn cho chuyển viện, xe cứu thương được điều động đưa bé lên bệnh viện Nhi Đồng 1 để được hỗ trợ chuyên môn sâu. Tại đây, kỹ thuật lọc máu liện tục được duy trì, kết hợp với điều trị nội khoa tích cực.

Suốt gần 1 tháng chạy đua với tử thần, các bác sĩ đã giữ lại được sinh mạng cho bệnh nhi trong niềm vui của gia đình.

Qua trường hợp trên, BS Minh Tiến khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết lưu hành quanh năm, mùa mưa là thời điểm bệnh xảy ra trên diện rộng. Để tránh nguy cơ mắc bệnh, cộng đồng cần tăng cường diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng và thực hiện các biện pháp tránh muỗi đốt.

Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày, quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì kèm theo đau bụng, chảy máu cam, chảy máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống... phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Vân Sơn