Cứu sống bệnh nhân bị phình động mạch chủ gấp đôi bình thường
(Dân trí) - Ca bệnh đặc biệt với đoạn phình tới 28cm khiến các bác sĩ bất ngờ bởi đoạn phình càng dài, nguy cơ vỡ động mạch chủ dẫn đến tử vong càng cao (thông thường chỉ là khoảng 14-15cm).
Ca hồi sinh đặc biệt
Cuối tháng 2 vừa qua, trong lúc đang xem phim, ông Vượng vùng ngực đau và ngay sau đó là toàn thân tím tái và bất tỉnh. Gia đình bà đã vội vàng đưa bệnh nhân vào viện. Bệnh viện tỉnh Yên Bái xác định đây là ca cấp cứu đặc biệt nguy hiểm nên đã giới thiệu chuyển tuyến trung ương.
Tại Viện Tim mạch Việt Nam, các bác sĩ chuẩn đoán ông Vượng bị phình bóc tách động mạch chủ (ĐMC) và rất nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ cũng cho biết trước tình hình xấu ông ấy có thể tử vong. Giải pháp tối ưu nhất mà các bác sĩ nghĩ đến, đó là can thiệp đặt ống sent graft. Tuy nhiên, đoạn lóc tách thành ĐMC của ông Vượng quá dài (28cm) và có thể vỡ bất cứ lúc nào nên để thực hiện cuộc can thiệp này cũng rất mạo hiểm và chi phí lại vô cùng đắt đỏ, đến vài trăm triệu.
Khi biết về ca bệnh đặc biệt này, công ty cung cấp sent graft đã tài trợ số tiền gần 200 triệu cho bệnh nhân, vì thế, người bệnh có cơ hội đến gần hơn với cuộc can thiệp này.
Ca phẫu thuật của ông Vượng được thực hiện vào ngày 2/3/2013, tại Bệnh viện Tim Đông Đô với sự hỗ trợ đặc biệt của chuyên gia hàng đầu về tim mạch tại Mỹ, GS.TS. J.Michael Bacharach (Bệnh viện Tim Miền Bắc, Hoa Kỳ) và các chuyên gia về mạch tại Viện Tim mạch Việt Nam.
Hi vọng mới cho bệnh nhân phình ĐMC
TS. BS Nguyễn Ngọc Quang (Viện Tim Mạch Việt Nam) cho biết ca can thiệp đặt ống stent graft cho bệnh nhân Vượng thành công hơn mong đợi. Bệnh nhân Vượng nhập viện trong tình trạng đau vùng ngực dữ dội. Qua phim chụp CT các bác sĩ phát hiện thành động mạch chủ của ông Vượng bị lóc tách một đoạn dài từ ngực, qua thân tạng xuống đến động mạch chủ trái với chiều dài lên đến 28 cm, nguy cơ tử vong rất cao vì ĐMC có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Xác định đây là một ca đặc biệt nên bệnh viện đã phải mời chuyên gia nước ngoài về hỗ trợ, tư vấn trong ca mổ. Chuyên gia và nhóm bác sĩ của Viện đã phải hội chẩn trong thời gian dài để tìm ra biện pháp can thiệp tối ưu nhất cho trường hợp này.
Theo nhóm hội chẩn, ở Mỹ, phương pháp can thiệp bằng stent graft lóc tách ĐMC được thực hiện cách đây 10 năm và được coi là biện pháp tối ưu nhất cho bệnh nhân bị phình và lóc tách ĐMC. Ở Việt Nam phương pháp này còn khá mới mẻ. Hiện ở miền bắc có Viện Tim mạch Việt Nam và thêm Bệnh viện Tim Đông Đô thực hiện thao tác này.
Thao tác đặt “giá đỡ” ĐMC, bệnh nhân nhanh hồi phục hơn. Các bác sĩ rạch ở động mạch đùi sau đó đưa stent graft qua vết rạch lên ĐMC ngực đặt ở vị trí thích hợp qua phim chiếu chụp, thả stent graft, chụp kiểm tra lại. Thấy động mạch thân tạng không bị chèn ép, bác sĩ sẽ rút hệ thống đưa giá đỡ vào và hoàn thành quá trình đặt stent graft. TS Quang trưởng nhóm thực hiện ca phẫu thuật cho biết: “Việc thực hiện đặt stent graft đòi hỏi cao về chuyên môn cũng như cơ sở vật chất. Bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch thập tử nhất sinh trước đó vài giờ”.
T.Anh