Cứu mạng 30.000 người bị lao mỗi năm

(Dân trí) - Sáng 16/12, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo định hướng thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh lao.

PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, hàng năm, Việt Nam có khoảng 17.000 người tử vong do lao, 130.000 người mắc lao mới, 190.000 người hiện mắc lao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân lao không được phát hiện và điều trị là 32%. Như vậy, hàng năm chương trình chống lao quốc gia đã cứu sống được khoảng 30.000 người Việt không bị chết vì lao.

Cũng theo PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung, Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là mục tiêu hết năm 2015, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187 người trên 100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người trên 100.000 người dân; tỷ lệ mắc lao đa kháng thuốc dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng sáng 16/12

Hội thảo được tổ chức tại Đà Nẵng sáng 16/12

Mục tiêu hết năm 2020, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người trên 100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người trên 100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Tầm nhìn đến năm 2030 là tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao và giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người trên 100.000 người dân. Hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.

Tham vọng từ năm 2015 đến 2020 giảm 30% số người mắc lao trong 5 năm, tức là trung bình giảm 6% một năm, trong khi hiện nay mới đạt 4,6% năm. Giảm 40 % số người chết do lao trong 5 năm, tức là 8% năm, trong khi hiện nay mới đạt 4,4% một năm.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh lao hiện vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe được quan tâm trên toàn cầu về tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết và gánh nặng kinh tế, xã hội. Tại Việt Nam, mặc dù đã có những thành tưu quan trọng trong kiểm soát bệnh lao, song vẫn tồn tại nhiều thách thức cần được giải quyết. Để có cơ sở thực tiễn đề xuất những nội dung thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh lao có một đánh giá thực trạng cụ thể đang diễn ra tại các địa phương. Vừa qua, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát tại 6 tỉnh/thành thuộc miền Bắc, Trung, Nam gồm Hà Nam, Nam Định, Gia Lai, Bình Định, Cần Thơ, Hậu Giang. 

Kết quả khảo sát tại 6 tỉnh/thanh, người mắc lao chủ yếu gặp là nam giới, tỷ lệ nữ mắc lao chiếm dưới 1/4 tổng số người bệnh lao. Kết quả này cũng phù hợp với báo cáo của Chương trình phòng chống quốc gia. Mặc dù không có số liệu chính xác nhưng theo báo cáo của các tỉnh/thành, có khoảng 45% người bệnh là người cao tuổi, tập trung ở các vùng nông thôn nhiều hơn thành thị. Người mắc lao thường có hoàn cảnh khó khăn, thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Có những trường hợp, trước khi mắc lao chưa thuộc hộ nghèo, tuy nhiên mắc bệnh làm giảm thu nhập và gia tăng chi phí điều trị đã ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, dẫn đến sự nghèo hóa. Hiện nay, theo chính sách BHYT người thuộc hộ gia đình nghèo được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí và người thuộc gia đình cận nghèo được hỗ trợ ít nhất 70% chi phí mua thẻ BHYT. Do vậy, đây cũng là một trong những lý do mà tỷ lệ người bệnh lao có thẻ BHYT là tương đối cao so với các nhón bệnh xã hội khác. Theo kết quả khảo sát tại 6 tỉnh/thành, 70% người mắc lao có BHYT.

Khánh Hồng