Cứu "cánh tay thần chết" của người đàn ông Hà Nội
(Dân trí) - Bệnh nhân được đưa tới viện trong tình trạng toàn bộ cánh tay phải lạnh ngắt, mất cảm giác. Kết quả chiếu chụp cho thấy có khối máu đông gây tắc động mạch từ vùng nách khiến toàn bộ cánh tay người bệnh không được tưới máu, lạnh như "cánh tay thần chết".
Ngày 3/10, TS.BS Bùi Long, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô Hà Nội cho biết, bệnh nhân Bùi S. (87 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa tới viện 8 ngày trước đó trong tình trạng yếu liệt tay bên phải, tay rất lạnh.
Theo ông Bùi S., trước thời điểm vào viện vài tiếng, ở nhà ông bỗng nhiên thấy tay phải yếu. Bình thường, khi ông muốn ra khỏi giường liền chống hay tay xuống giường để đứng lên, nhưng lần này tay phải yếu khiến ông không thể đứng dậy.
Nghĩ là trúng gió, ông cố lấy dầu xoa bóp nhưng xoa mãi tay không nóng mà ngày càng lạnh đi, dần mất cảm giác, được người nhà đưa ngay tới bệnh viện.
TS Long cho biết, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nghĩ đến nguy cơ tắc mạch chi cấp bởi bệnh nhân có những biểu hiện điển hình của tắc mạch với cánh tay lạnh ngắt, bắt mạch cổ tay không có.
"Khác với bệnh nhân bị tai biến, cánh tay người bệnh vẫn ấm, hồng. Với bệnh nhân tắc mạch tay, cánh tay tím, lạnh, người bệnh rất đau, tay mất cảm giác", TS Long cho biết.
Sau khi tiến hành đặt đầu dò siêu âm bác sĩ thấy ngay không có dòng máu chảy từ động mạch nách xuống tay bệnh nhân. Trên siêu âm còn thấy cục máu đông rất lớn chặn ngay động mạch từ vùng nách khiến toàn bộ cánh tay phải bệnh nhân không được tưới máu.
TS Long thông tin thêm, bình thường với những trường hợp tắc mạch chi cấp tính, phương pháp kinh điển bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ tiến hành gây tê, phẫu thuật để lấy cục máu đông. Tuy nhiên, với bệnh nhân này tuổi khá cao, nên các bác sĩ quyết định sử dụng thiết bị nội soi để hút cục máu đông thay vì phẫu thuật cho bệnh nhân.
Với phương pháp này, bệnh nhân không phải trải qua một cuộc mổ. Bác sĩ sẽ dùng thiết bị để luôn vào động mạch từ dưới đùi đi ngược lên, tiến tới vị trí có cục máu đông để hút ra, giải phóng động mạch, máu lưu thông bình thường.
Với bệnh nhân này, các bác sĩ đã hút ra rất nhiều cục máu đông trong lòng mạch. Sau khoảng 40 phút với 10 lần hút các cục máu đông, khi kiểm tra động mạch đã thông thoáng, máu lại được tưới đều khắp cánh tay đến tận ngón tay. Cánh tay người bệnh lập tức ấm hồng trở lại, không còn lạnh ngắt như "cánh tay thần chết".
"Khi đưa bệnh nhân lên bàn thủ thuật, tay bệnh nhân lạnh ngắt, nhưng khi thông được, máu tưới xuống, bệnh nhân cử động tay, đưa cao tay như bình thường, cánh tay người bệnh đã được cứu", TS Long cho biết.
Theo TS Long, can thiệp bằng thiết bị nội soi hút cục máu đông gây tắc mạch là một kỹ thuật mới. Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô vừa được trang bị hệ thống này đã ứng dụng thành công, cứu được cánh tay của người bệnh.
Với tình trạng tắc mạch chi cấp tính, nếu không điều trị kịp thời, mạch máu tắc không giải phóng tưới máu cho tay sẽ khiến toàn bộ cánh tay, bàn tay, hoại tử nhanh chóng, mất hết chức năng về cơ, thần kinh.
Khi cánh tay bị hoại tử sẽ giải phóng chất độc, nếu không kịp thời xử lý chất độc này do hoại tử đi sâu vào cơ thể gây tình trạng suy thận cấp, có thể tử vong do hoại tử gây độc cho cơ thể.
"Những trường hợp như bệnh nhân này, nếu vì lý do nào đó không mổ được, không can thiệp hút cục máu đông ngay được, người bệnh sẽ phải cắt tay để bảo toàn tính mạng người bệnh", TS Long cho biết.
Theo các chuyên gia, tắc mạch chi là một cấp cứu ngoại khoa tim mạch, hậu quả là làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng. Nếu tình trạng thiếu máu nuôi này không được giải quyết thì phần chi bị thiếu máu nuôi sẽ hoại tử trong vòng vài giờ đến vài ngày.Vì thế, khi thấy có dấu hiệu đau xảy ra đột ngột ở chi; tay có cảm giác tê bì, dần mất cảm giác; chi lạnh hơn các vùng khác của cơ thể; thay đổi màu sắc (thường tái nhợt do thiếu máu nuôi chi)... hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Hồng Hải