Cứu bàn tay bị lột toàn bộ da cho nam thanh niên

Hồng Hải

(Dân trí) - Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng lột toàn bộ da bàn tay trái. Phần da lột rời được bảo quản lạnh trong thùng xốp, mang đến bệnh viện.

Ngày 4/9, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông tin về ca bệnh hi hữu, các bác sĩ cứu thành công bàn tay bị lột toàn bộ da cho nam thanh niên 30 tuổi ở Vĩnh Phúc.

Nam bệnh nhân được đưa đến viện với vết thương lóc da toàn bộ cổ bàn tay kiểu lột găng, phần da lóc rời ra ngoài đã được bảo quản lạnh trong thùng xốp mang tới bệnh viện, không khác gì một chiếc găng tay da người.

Cứu bàn tay bị lột toàn bộ da cho nam thanh niên - 1

Sau 5 ngày phẫu thuật, phần da bị lột hồng ấm, cho thấy đã có dấu hiệu sống (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Người bệnh cho biết, khi đang làm việc, không may anh bị kẹt tay vào máy cuốn với một lực kéo ép rất lớn, khiến toàn bộ da bàn tay trái bị lột hoàn toàn.

ThS Nguyễn Điện Thành Hiệp, khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật cho biết, khi kiểm tra, các bác sĩ thấy phần da bị lột có thể "cấy" lại được, nên đã nhanh chóng tiến hành ca mổ vi phẫu, nối da vào tay cho người bệnh.

Sau ca mổ kéo dài 5 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã "cấy" thành công toàn bộ phần da bị lột cho người bệnh. 

"Ngay sau ca mổ, vạt da lột được "cấy" lại đã hồng ấm. Bệnh nhân về khoa tiếp tục được dùng thuốc chống đông, treo cao tay, sưởi ấm, bù dịch, kháng sinh và thay băng chăm sóc vết mổ hàng ngày", bác sĩ Hiệp cho biết.

Đến nay, sau 5 ngày được cấy ghép da, toàn bộ vạt da vẫn hồng ấm, chỉ xuất hiện một số hoại tử da ở vị trí đầu mút các ngón 2, 4, 5 và gan bàn tay do tổn thương dập nát phức tạp ban đầu. Bệnh nhân sau đó được cắt lọc các phần hoại tử đợi mọc tổ chức hạt và ghép da dày bổ sung, tiên lượng phục hồi tốt.

Bác sĩ Hiệp cho biết, đây là một ca bệnh ít gặp trên lâm sàng, khi mà da tay người bệnh bị lột hoàn toàn.

Bác sĩ Hiệp lưu ý, với trường hợp này, nguyên tắc xử trí giống với tổn thương đứt rời chi thể. Theo đó, phần da/chi thể bị đứt rời cần được bảo quản lạnh đúng cách, mang đến bệnh viện cùng người bệnh sẽ có cơ hội nối, cấy lại phần da/chi thể này.

"Khi có bệnh nhân bị tổn thương đứt rời chi thể nói chung hay lóc da kiểu lột găng bàn tay nói riêng, cần nhanh chóng sơ cứu, cầm máu, bảo quản lạnh đoạn ngoại vi và vào ngay cơ sở y tế chuyên sâu để được điều trị kịp thời, tránh việc mất thời gian quá lâu dẫn đến những trở ngại cho việc điều trị", bác sĩ Hiệp khuyến cáo.