Cuối năm tính sổ
Nếu ở Sài Gòn, những ngày cuối năm là dịp để sáng sớm khoe áo len mới trong không khí mát lạnh dễ thương của tháng Chạp.
Để buổi tối là lúc đổ mồ hôi chen chân ngắm đèn, để mặc cả hàng “khuyến mãi” trên đường phố chật ních dòng người thì mùa Giáng sinh ở xứ người bên trời Âu là cơ hội để tính chuyện còn mất, được thua, vì đằng nào cũng chôn chân trong nhà khi ngoài trời đan kín một màu tuyết trắng.
Tuy hiểu là vũ trụ cần có bốn mùa xoay vần mới giữ được nét sinh tồn nhưng sống lâu ở xứ lạnh khó tránh bực mình trách móc, tại sao cuộc đời lại phải có… mùa đông?!
Dù cảnh buồn người có vui đâu bao giờ nhưng cuối năm vẫn là thời điểm của ước vọng. Chính nhờ vậy mà có thông lệ gửi thiệp cuối năm giúp nhiều nhà in thở ra trong buổi củi quế gạo châu. Biết chúc gì đây cho độc giả thân thương. Chúc thăng quan tiến chức? Chúc phúc lộc dồi dào? Chúc gia đình hạnh phúc? Chắc ai đó đã chúc rồi.
Ba điều ước cho năm mới
Suy nghĩ đắn đo, cuối cùng xin mượn câu chuyện bà tiên cho ba điều ước thay tấm thiếp sáo ngữ Happy New Year.
Xin chúc bạn đọc xa gần trong 365 ngày trước mắt cố sao:
- Giữ được quân bình trong lao động và sao cho căng thẳng thần kinh không có dịp gõ cửa làm quen. Chúc độc giả của báo Pháp Luật TP.HCM số Chủ nhật “vượt lên chính mình” để “hội chứng mệt mỏi kinh niên của giới doanh nhân” là chuyện của người khác, để hễ làm thì làm tới nơi.
- Có đủ thì giờ để chú trọng đúng mức vào việc nghỉ dưỡng, cho dù chỉ ngắn hạn nhưng định kỳ, để tạo điều kiện phục hồi đúng lúc như bàn đạp cơ thể hễ chơi thì chơi tới bến.
- Tìm được thầy thuốc gia đình đặt nặng chức năng tư vấn để người bệnh, người tiêu dùng, người chưa có kiến thức chuyên khoa… được thông tin chính xác và đầy đủ về biện pháp phòng bệnh, để người bệnh qua đó có thể cộng tác chặt chẽ với nhà điều trị nhằm tăng cường hiệu quả của liệu pháp và bảo đảm tính toàn diện của liệu trình.
Tăng cường nội lực để phòng trị bệnh
Cuối năm cũng là thời gian dành cho dự kiến. Ý nghĩa của cuộc sống được tiếng văn minh hiện đại hình như có nhiều điểm nghe qua không hoàn toàn thuận tai. Con người dường như đành phải bó tay quy hàng trước nhịp sống càng lúc càng máy móc đơn điệu, trước tình người có khuynh hướng khô kiệt với thời gian, trước môi trường ngày thêm ô nhiễm, trước mầm bệnh biến hóa thiên hình vạn trạng…
Đường dài mới biết ngựa hay! Trị bệnh cũng không khác làm kinh tế. Muốn tranh đua ngoại thương khi nội lực chưa đủ chẳng khác nào mời người xơi tái. Với sức khỏe cũng thế mà thôi, nếu không thay đổi được môi trường bên ngoài, nếu tự mình tiếp tay đầu độc cơ thể bằng thuốc lá, rượu bia… thì không còn phương án nào khả thi cho mục tiêu phòng bệnh ngoài biện pháp tìm cách tăng cường sức chịu đựng.
“Tà chi sở tấu, kỳ khí tất hư”, bệnh chỉ tác quái khi sức đề kháng vì lý do nào đó mỏi mòn suy sụp. Nguyên tắc cơ bản đã được đề cập trong Nội Kinh từ mấy ngàn năm trước dường như đã bị quên lãng trong cuộc sống đi ngược với quy luật của thiên nhiên.
Cứ chọn hai tiếng “bệnh chứng” thì hiểu thêm cái khéo của tiếng Việt. Bước nhảy vọt trong khoa học kỹ thuật đã vô tình mở lối cho y học hiện đại biến “chứng” thành “bệnh”, để nhiều thầy thuốc tự bó tay trong gọng kềm của guồng máy công nghệ dược phẩm để rồi chỉ trị “chứng” mà quên chữa “bệnh”!
Tệ hơn nữa là trị bệnh mà quên người bệnh! Vi khuẩn, siêu vi, nấm mốc, ký sinh trùng… tuy là nguyên nhân gây bội nhiễm nhưng chúng không ngang nhiên sinh bệnh nếu cơ thể còn đủ khả năng đề kháng. Tế bào ung thư không vô cớ kết bè thành ung bướu ác tính nếu chức năng truy lùng của hệ thống thực bào vẫn còn bén nhọn. Mạch máu không một sớm một chiều bỗng tắc nghẽn nếu không có đòn đo ván của rối loạn biến dưỡng, của dao động nội tiết tố, của stress…
Có biện luận dông dài quanh co bao nhiêu cuối cùng cũng phải gom về một mối: Sức đề kháng chính là trọng điểm của mọi quy trình phòng bệnh! Cho dù chỉ kiện toàn sức kháng bệnh chưa hẳn đã đủ để ngăn chặn mọi bệnh chứng nhưng thà có còn hơn không! Vì thiếu sức đề kháng thì chuyện nhiễm bệnh chắc chắn không chóng thì chầy!
Theo BS Lương Lễ Hoàng
Pháp luật TPHCM