1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cuối năm thịt bẩn tuồn vào thành phố

Lợi dụng nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc tăng cao vào thời điểm cuối năm, nhiều đối tượng đã liên tục đưa nguồn “thịt bẩn” từ nơi khác về thành phố tiêu thụ.

 Theo đường ngang ngõ tắt

 

Gần đến thời điểm Tết Nguyên đán, hoạt động vận chuyển thịt bẩn từ các địa phương vào thành phố lớn càng trở nên phổ biến, khiến cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và bắt giữ.

 

Để đưa “thịt bẩn” vào TPHCM, các đối tượng vận chuyển buộc phải đi qua 4 cửa ngõ nơi có 4 trạm kiểm dịch đóng chốt: Trạm Xuân Hiệp (quốc lộ 1K), Trạm Hóc Môn (trên quốc lộ 22), Trạm An Lạc (từ các tỉnh miền Tây về) và Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức. Trong đó, điểm “nóng” nhất về “thịt bẩn” là ở nơi chốt chặn của trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức. Tại đây, mỗi ngày có hàng chục tấn thịt từ các địa phương ở miền Bắc, miền Trung và các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đổ về. Cũng từ đây, một lượng “thịt bẩn” không nhỏ cũng được các đối tượng vận chuyển theo xe khách để đưa vào thành phố tiêu thụ.

 

Hầu hết thịt được vận chuyển trái phép vào TPHCM đều không qua kiểm dịch

Hầu hết thịt được vận chuyển trái phép vào TPHCM đều không qua kiểm dịch

 

Khó khăn nhất đối với lực lượng chức năng là hiện nay “thịt bẩn” được vận chuyển theo nhiều đường ngang ngõ tắt nên rất khó khăn trong việc kiểm tra và xử lý. Đơn cử như tại khu vực cửa ngõ phía Đông vào thành phố, lợi dụng khu vực Đại học Quốc gia có nhiều tuyến đường ngang, ngõ tắt, đầu nậu thường tập kết thịt bẩn tại cầu Đồng Nai rồi thuê xe ôm vận chuyển vào khu vực này, sau đó đưa đi tiêu thụ.

 

Nguy cơ dịch bệnh

 

Lượng “thịt bẩn” vào thành phố nhiều tới mức chỉ trong năm 2013 Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc đã phát hiện gần 300 trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật có vi phạm. Trong đó, nhiều trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật biến chất, bốc mùi hôi thối. Trạm đã xử lý phạt gần 700 triệu đồng và phát hiện 38 lượt xe được chủ hàng dùng xe khách để vận chuyển.

 

Điều đáng lo ngại là, số “thịt bẩn” được vận chuyển trái phép từ các tỉnh vào thành phố đa phần là không qua kiểm dịch, có nhiều trường hợp thịt được xác định nhiễm các bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan cao.

 

Điển hình như ngày 24/12/2013, Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, phát hiện xe du lịch 16 chỗ, do ông Phạm Quốc Huy (ngụ quận 8, TP HCM) vận chuyển thịt heo chết từ (Trảng Bom, Đồng Nai) về TP HCM tiêu thụ. Số heo chết được xác định là 550kg được đựng trong tám bao tải để trên sàn xe đều không có nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Qua kiểm tra, trạm phát hiện toàn bộ số heo này đều bị chết nhiều ngày trước khi mổ, trên da bị xuất huyết, rỉ dịch, nhiều con đã bốc mùi hôi thối.

 

Đây cũng là lần thứ ba trong năm 2013 Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện ông Phạm Quốc Huy vận chuyển thịt heo thối từ Trảng Bom vào TP HCM tiêu thụ. Qua kiểm tra, các mẫu thịt thối mang đi xét nghiệm trong cả ba lần ông Huy vận chuyển “thịt heo bẩn” vào thành phố trong năm 2013 thì tất cả đều bị nhiễm dịch tả và heo tai xanh.

 

“Nguy cơ nhiễm các dịch bệnh ở nguồn “thịt bẩn” là rất cao, bởi đa phần là thịt được giết mổ khi gia súc bị bệnh hoặc chưa qua kiểm dịch, nếu sử dụng phải nguồn thịt này thì nguy cơ lây bệnh cho con người là rất cao” - ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Thú y TP HCM nhận định.

 

Cũng theo ông Phát, nhằm tăng cường công tác kiểm tra và xử lý “thịt bẩn” vận chuyển vào thành phố, từ nay đến cuối năm Chi cục Thú y thành phố sẽ bố trí thêm lực lượng chốt chặn tại các cửa ngõ vào thành phố để kịp thời phát hiện và bắt giữ “thịt bẩn”. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tích cực phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, công an các quận, huyện nhằm có thêm sự hỗ trợ trong công tác chống vận chuyển “thịt bẩn” vào thành phố.

 

Theo Thùy Trang

Petrotimes