Cuộc sống bệnh nhân “Xóm chạy thận” lay lắt trước cơn bão Covid-19
(Dân trí) - Khó khăn lại chồng chất khó khăn với Xóm chạy thận, khi dịch Covid-19 ập đến, đó là rủi ro về sức khỏe, gánh nặng cơm áo gạo tiền, nỗi buồn vì lỡ ngày đoàn tụ với gia đình sau nhiều tháng xa cách...
Được biết đến với tên gọi “Xóm chạy thận”, con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội trong nhiều năm qua đã trở thành nơi mà nhiều bệnh nhân bị suy thận, từ các tỉnh thành lân cận, tìm về tá túc để chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như một số bệnh viện khác trên địa bàn.
“Thiếu thốn vật chất, thiếu thốn sức khỏe và thiếu thốn tình cảm”, đó là mô tả của trưởng xóm về tình cảnh éo le của 131 bệnh nhân đang ở trọ tại đây. Với những cư dân trong xóm, gần như tất cả mọi nguồn thu nhập vốn đã không nhiều nhặn gì, đều được dồn vào việc duy trì sự sống qua ngày, bằng 3 lần chạy thận nhân tạo mỗi tuần và những túi thuốc tây nhiều đến độ họ cũng không còn nhớ nổi tên.
Cuộc sống sum vầy cùng gia đình, vốn là một điều giản đơn, cũng trở thành thứ xa xỉ với những bệnh nhân chạy thận, khi có nhiều người hơn 10 năm qua đã quen với cuộc sống quanh quẩn một mình, ở nơi đất khách quê người và theo cách lý giải của họ thì “mỗi lần về lại một lần tốn kém”.
Khó khăn lại chồng chất khó khăn với 131 cư dân của Xóm chạy thận khi dịch Covid-19 ập đến, đó là rủi ro về sức khỏe và tính mạng, khi những bệnh nhân suy thận với sức đề kháng yếu sẽ là mục tiêu tấn công dễ dàng của virus SARS-CoV-2 và một khi mắc bệnh, họ cũng thuộc nhóm có nguy cơ tử vong hàng đầu; là nỗi lo cơm áo gạo tiền, khi nguồn thu nhập của bản thân các bệnh nhân và gia đình đã bị sụt giảm đáng kể từ khi có dịch; và còn nhiều khó khăn khác, mà chỉ khi trò chuyện trực tiếp với những hoàn cảnh éo le này chúng ta mới có thể hiểu được.
Cứ nghĩ đến việc vào viện là lại sợ!
Bác Phạm Thị Thu, 65 tuổi là người Nam Định đã lên Hà Nội ở trọ để chạy thận suốt 12 năm nay. Không chỉ bị suy thận, bác Thu còn có nhiều bệnh lý khác liên quan đến thần kinh, tim mạch, dạ dày. “Tôi phải đặt 2 ống stent ở tim, mật của tôi cũng đã cắt đi rồi. Hôm trước bị tai biến nhẹ, các bác sĩ bảo vào nằm ở khoa thần kinh nhưng đợt này có dịch Covid-19 nên tôi sợ không vào. Giờ người đi cứ lao đao, mệt mỏi, ăn đến đâu nôn đến đó”, bác Thu vừa nói vừa chỉ vào cầu tay nhân tạo, vào những vết sẹo từ các ca phẫu thuật đã chi chít trên cơ thể gầy gò của mình.
Tháng trước, bác Thu có chồng lên chăm sóc, bầu bạn nhưng cũng vì dịch Covid-19 hoành hành, mà giờ bác chỉ lủi thủi một thân một mình trong phòng trọ: “Chồng tôi cao huyết áp, lại mắc cả tiểu đường, nghe dịch bệnh phức tạp tôi đuổi ông ấy về, tôi bảo: có chết thì để tôi chết một mình tôi thôi”.
Cách đây không lâu, bác Thu bị ốm nặng phải cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức tưởng như đã không qua khỏi: “Đợt đó tôi cấp cứu 3 ngày 3 đêm, truyền 6 bịch máu, bác sĩ đã bảo cho về nhà nhưng con tôi bày tỏ nguyện vọng còn nước còn tát. Cũng may sau đó tỉnh lại được”.
May mắn vượt qua cơn bạo bệnh nhưng sức khỏe của bác cũng yếu đi nhiều. Từ hôm cấp cứu về đến nay, việc đi lại trở nên khó khăn, bác gần như chỉ ở trên giường. Sức khỏe yếu nên việc đến bệnh viện để chạy thận trong mùa dịch cũng là một vấn đề nan giải với người phụ nữ này: “Cứ 2 ngày tôi lại vào viện chạy thận 1 lần. Chạy thận xong thì cũng 7-8 giờ tối. Khổ nỗi từ khi có dịch đến nay gọi xe ôm từ cổng viện về nhà khó lắm. Có nhiều hôm người mệt mà vẫn phải ngồi chờ gần cả tiếng mới có xe. Bây giờ mỗi lần vào viện nghĩ đến cảnh phải chờ xe lúc về là lại sợ!”.
Dè sẻn từng gói thuốc để trụ lại qua đợt dịch
Tình trạng sức khỏe vẫn còn khá tốt nên việc lui tới bệnh viện để chạy thận không gặp nhiều khó khăn như bác Thu, nhưng bác Dương Thị Hòai, 65 tuổi, lại có một nỗi niềm khác: “Tôi chạy thận đã 11 năm, mỗi tháng cả tiền thuê trọ, sinh hoạt và thuốc men phải hết 6-7 triệu, tiền này chủ yếu là do con cái gửi lên. Cả mấy tháng nay có dịch, đứa con gái làm khu công nghiệp người ta cho nghỉ, đứa con trai làm công trình trong Gia Lai thì thu nhập cũng giảm sút, không giúp đỡ tôi nhiều được. Bây giờ tiền nong để bám trụ lại cũng chỉ tính được theo từng ngày, mình dè sẻn, bớt được thuốc nào thì bớt. Chỉ mong sao sức khỏe cứ giữ được ổn định giống mấy ngày nay, chứ như đợt vừa rồi bị ốm phải điều trị 10 ngày, mà mỗi viên thuốc 15.000 – 20.000 đồng, thì thực sự khổ con, khổ cháu”.
Theo bác Hoài, điều may mắn là từ khi có dịch đến nay nhiều nhà hảo tâm tìm đến hỗ trợ cho Xóm chạy thận, nên không còn phải lo bị đói, bữa cơm nay cũng có nhiều thịt hơn. “Gần như hôm nào cũng có người đến cho chúng tôi thực phẩm, hôm thì bao gạo với mấy gói mì, hôm thì thịt gà với trứng, quý lắm! Đúng là trong những lúc thế này mới thấy rõ người Việt Nam máu đỏ, da vàng đùm bọc lẫn nhau”.
Trò chuyện với bác Hoài hồi lâu, chúng tôi mới biết được hoàn cảnh đặc biệt của người phụ nữ này. Lúc vừa lên Hà Nội để chạy thận, chồng bác cũng theo cùng để chăm sóc. Thời gian đầu, bác Hoài bán nước ở khu vực Bệnh viện Bạch Mai để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, được một thời gian thì chồng mắc ung thư nên bác Hoài nghỉ bán để chăm chồng. Cách đây 4-5 năm, chồng bác Hoài mất vì ung thư, vậy là bác sống một mình ở Hà Nội từ đó đến nay. Để san sẻ cho con cái gánh nặng về tiền bạc, lúc không bị mệt, bác Hoài tranh thủ nhặt nhạnh đồng nát bán lấy tiền. Tuy nhiên, nguồn thu nhập này đến nay cũng không còn vì dịch Covid-19.
Từ khi có dịch Covid-19, các bệnh nhân ở Xóm chạy thận được yêu cầu hạn chế rời khỏi nơi sinh sống, để bảo vệ sức khỏe của bản thân. Do đó, cuộc sống của bác Hoài vài tuần trở lại đây gần như chỉ gói gọn trong diện tích 10 mét vuông phòng trọ.
“Đợt dịch này cứ quanh quẩn ở trong phòng, nhiều lúc lại đâm ra nghĩ ngợi, người ta về già con cháu sum vầy, số mình lại sống xa gia đình, con cái mỗi đứa một nơi nhưng cũng phải ráng chịu, chịu đựng mười mấy năm nay cũng thành quen”, bác Hoài tâm sự.
Mất việc, lỡ dịp đoàn tụ với gia đình vì Covid-19
Ở sát phòng trọ của bác Hoài là một trường hợp đặc biệt: Anh Hoàng Văn Tuân mới 46 tuổi nhưng đã phải xa gia đình lên Hà Nội chạy thận suốt 18 năm. Bị suy thận khi còn là thanh niên, trong khi bố mẹ thì đã già điều kiện tài chính hạn hẹp, anh đã tự mình bươn chải ở Hà Nội để có tiền trang trải cho chi phí sinh hoạt và điều trị.
Anh Tuân chia sẻ: “Thời gian đầu mới lên Hà Nội, tôi bán trà đá vỉa hè nhưng rồi thấy thu nhập không ổn định với cả không có chỗ lại chuyển sang đánh giày. Sau một thời gian, nhận thấy đáng giày chỉ được nửa năm là có việc để làm, và thấy sức khỏe mình cũng đang ổn định nên vay mượn tiền sắm xe để chạy xe ôm và làm cho đến giờ”.
Mang trong mình căn bệnh suy thận, đương nhiên sức khỏe của anh Tuân cũng không thể được như người bình thường. Nhiều hôm thấy mệt, anh cũng phải nghỉ chạy nên tiền vào ít khi bù lại tiền ra: “Tháng nào kiếm được nhiều thì mới đủ chi phí sinh hoạt và thuốc men cơ bản, còn lại đa số là thiếu, phải nhờ vợ gửi ra, không thì lại vay mượn bà con, bạn bè”.
1-2 tháng trở lại đây, vì dịch Covid-19, anh Tuân đã phải nghỉ chạy xe ôm, đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn nguồn thu nhập tự thân, mọi gánh nặng chi phí lúc này đặt lên vai người vợ trẻ và sự san sẻ của các nhà hảo tâm.
Được biết, gia đình nhỏ của anh Tuân hiện đang sống ở Cát Bà. Vợ anh làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Anh Tuân có một cậu con trai năm nay chỉ vừa 13 tuổi. “Mỗi năm chỉ mong đến hè là dịp thằng nhỏ lên ở chơi với bố được nguyên tháng trời. Năm nay vì dịch Covid-19 mà không có nghỉ hè, nên 2 bố con lâu rồi chưa được gặp nhau, nhớ nó lắm!” – Anh Tuân tâm sự.
Minh Nhật