Cúm chết người lây lan nhanh
Hiện cúm A/H5N6 vẫn được đánh giá là chủng nguy hiểm, có thể lây sang người với tỉ lệ tử vong cao, trong khi bản đồ virus cúm A/H5N6 tiếp tục mở rộng ở nhiều địa phương.
Theo Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), giữa tháng 8-2014, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận chủng virus cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Hà Tĩnh. Từ đó đến nay, danh sách các địa phương có dịch cúm này tiếp tục mở rộng ra Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bắc Giang, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Ninh Bình...
Mua bán gia cầm không qua kiểm dịch là nguy cơ lây lan bệnh cúm
Cần giám sát chặt virus cúm A/H5N6
Cách đây vài ngày, lại thêm ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 được ghi nhận ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết kết quả giải trình tự gien của các mẫu virus cúm A/H5N6 cho thấy chúng tương đồng trên 99% so với chủng rirus cúm A/H5N6 gây tử vong trên người tại Tứ Xuyên - Trung Quốc trước đó.
Theo Cục Thú y, các triệu chứng lâm sàng của cúm A/H5N6 tương đối giống cúm gia cầm khác như H5N1, chỉ qua xét nghiệm mới có kết luận chính xác chủng virus gây bệnh. Hiện vắc-xin ngừa cúm gia cầm có tác dụng bảo hộ tốt với virus cúm A/H5N6 và nước ta có thể chủ động nguồn vắc-xin để phòng chống dịch.
Tuy nhiên, ông Thành khuyến cáo các địa phương không nên chủ quan bởi virus cúm có thể lây lan qua chim hoang dã nên rất khó kiểm soát. Virus cúm A/H5N6 từng được phát hiện ở vịt trời và chim hoang dã tại Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Trường hợp tử vong tại Trung Quốc được ghi nhận là ca bệnh duy nhất mắc cúm A/H5N6 ở người cho đến nay.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch cúm và lây lan sang người là rất cao. “Việc người dân di chuyển liên tục trong dịp lễ, nghỉ hè, cùng tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ là cơ hội thuận lợi để cúm gia cầm lây lan, bùng phát. Dù chưa ghi nhận ca bệnh gia cầm trên người nhưng không thể chủ quan bởi cho đến nay, đường lây lan và mức độ nguy hiểm của cúm A/H5N6 vẫn tương đương với H5N1, trong khi chúng ta chưa miễn dịch với virus cúm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng cảnh báo virus cúm A/H5N6 là chủng có độc lực cao nên cần giám sát chặt” - ông Phu nhấn mạnh.
Đang tồn tại nhiều virus độc lực cao
Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam là một trong những nước đang lưu hành các chủng virus cúm mạnh mẽ như H1N1, H3N2, H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N3, H5N8… Kết quả giám sát trên người của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP HCM cho thấy trong những tháng đầu năm nay, virus cúm A/H3 là chủng lưu hành chủ yếu (chiếm 77,8%), tiếp đó là virus cúm A/H1N1 và cúm B. Hằng năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, chủ yếu do các chủng virus cúm mùa H3N2, H1N1 và cúm B.
“Virus cúm luôn song hành với con người cùng sự tồn tại của gia cầm và các loài chim hoang dã. Các nhà khoa học giải thích sự gia tăng gần đây của virus gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy virus cúm đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng mới. Tuy nhiên, may mắn là chưa phát hiện chủng virus cúm mới cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng virus cúm lưu hành trên người tại Việt Nam” - ông Phu nhận định.
Các chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo các chủng virus cúm sẽ còn tiếp tục lây lan, biến đổi và tái tổ hợp thành các chủng mới. Ông Trần Đắc Phu cho biết theo đánh giá của WHO, sự xuất hiện liên tục các chủng virus cúm mới và đặc tính biến đổi thường xuyên của chúng là rất đáng quan tâm. Trong đó, virus cúm A/H5 là mối đe dọa rõ ràng nhất cho sức khỏe con người. Virus cúm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á từ năm 2003 và vẫn đang gây dịch tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, trong 2 năm qua, cơ quan chức năng còn phát hiện các chủng virus cúm H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8 ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, lưu ý biểu hiện của virus cúm A/H5N6 giống cúm A/H5N1. Do vậy, ở những vùng có gia cầm chết, người nào bị ho, sốt cao, tức ngực, đau đầu, nhức mỏi… nên đến cơ sở y tế khám chữa bệnh.
Theo Cục Y tế dự phòng, phần lớn trường hợp nhiễm virus có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống hoặc sống trong môi trường bị ô nhiễm. Có những trường hợp nhiễm cúm, bệnh cảnh diễn biến nặng, thậm chí tử vong nhanh nhưng cũng có người mang virus nhưng không có biểu hiện bệnh. Việc người lành mang trùng là rất nguy hiểm cho cộng đồng vì họ có thể phát tán mầm bệnh trong quá trình giao tiếp, di chuyển…
“Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, Bộ Y tế vẫn yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch… Các trung tâm giám sát cúm trọng điểm quốc gia phải liên tục theo dõi để cảnh báo kịp thời khi bệnh cúm có diễn biến bất thường” - ông Phu khuyến cáo.
144 nhóm virus cúm A đe dọa con người Virus cúm có 3 type A, B, C, trong đó type A thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus độc lực cao, nguy cơ lây lan nhanh và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Các nghiên cứu cho thấy với 16 loại kháng nguyên H và 9 kháng nguyên N có thể tái tổ hợp, tạo ra 144 nhóm virus cúm gia cầm khác nhau. Trong khi đó, đến nay, virus cúm A mới chỉ phát hiện được khoảng 15 chủng, như H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, H5N8, H5N1... |