Cúm: Càng biến đổi theo thời gian càng nguy hiểm

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo BS.CKII. Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - TPHCM, cúm diễn tiến nhanh và khó lường. Có những trẻ chỉ cảm cúm hai ba ngày, nhưng khi chụp X-quang, 2 bên phổi đều tổn thương, suy hô hấp, điều trị khó khăn.

Phân biệt giữa cảm và cúm

Tại tọa đàm "Đánh bại cảm cúm cho sức khỏe vững vàng" thuộc chuyên đề "Lá chắn khỏe", do báo Dân trí tổ chức ngày 9/10, BS.CKII. Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - TPHCM cho biết, ở Việt Nam, cao điểm của bệnh cảm cúm là vào tháng 3, 4 và tháng 9, 10 hàng năm. Đây là thời điểm chuyển mùa, thời tiết thuận lợi cho siêu vi hoạt động.

Cúm: Càng biến đổi theo thời gian càng nguy hiểm - 1

BS.CKII. Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - TPHCM (phải), chia sẻ cách phòng, điều trị cảm cúm (Ảnh: Hải Long).

Trong hai nhóm cảm và cúm thì cúm nguy hiểm hơn. Cúm có thể diễn tiến hơn 1 tuần và gây suy hô hấp, thậm chí là tử vong. Cảm và cúm đều do siêu vi nhưng có thể phân biệt bằng loại siêu vi gây bệnh, biểu hiện và biến chứng.

Cảm có thể do mắc mưa, ngủ bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp hoặc mở quạt máy quá nhiều, uống nước đá gây đau họng… tất cả điều này gây cảm lạnh. Cảm lạnh thường do siêu vi gây ra mà 50% là do RSV, hay còn gọi là virus hô hấp hợp bào, Adenovirus hoặc các nhóm siêu vi thông thường ở đường mũi họng.

Các yếu tố lạnh, bụi, ô nhiễm khác cũng gây tổn thương các viêm mạc bảo vệ đường hô hấp. Biểu hiện ban đầu có thể gây sưng họng, nuốt đau, sổ mũi, sốt nhẹ và nhiều ngày sau, nước mũi chảy nhiều, ho nhiều nhưng lại có thể tự khỏi từ 3 đến 5 ngày hoặc nhanh hơn với người có sức đề kháng tốt.

Còn với cúm, đây là bệnh do siêu vi Influenza gây ra, còn gọi là cúm mùa, cúm A, cúm B… Siêu vi cúm có biểu hiện ban đầu rất giống cảm, có thể sốt, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, … nhưng sẽ rầm rộ, nặng và kéo dài nhiều hơn, có thể gây sốt rất cao, cảm giác tức ngực. Trẻ nhỏ, người già trên 60 tuổi, người mắc bệnh mãn tính khi mắc cúm có thể gây suy hô hấp, thậm chí thở máy.

Cúm nguy hiểm như thế nào?

Bác sĩ Nam nhấn mạnh, cúm diễn tiến nhanh và khó lường. Có những trẻ chỉ cảm cúm hai ba ngày, nhưng khi chụp X-quang, 2 bên phổi đều tổn thương, suy hô hấp, điều trị rất khó khăn.

"Đây là những điều cần hết sức lưu tâm để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của cảm cúm. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng phân biệt được cảm và cúm. Khi có dấu hiệu cảm cúm kéo dài, tức ngực, khó thở, người bệnh nên vào bệnh viện ngay để bác sĩ lấy dịch mũi họng xét nghiệm mới biết được là siêu vi cúm hay cảm lạnh. Từ đó có phương pháp điều trị hiệu quả, tránh nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Nam chia sẻ thêm.

Nhiều người Việt còn thờ ơ với vaccine cúm

Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy tỷ lệ ca mắc cúm tại Việt Nam là hơn 3.700/100.000 dân, cao gấp 5 lần trung bình thế giới. Điều quan trọng là cúm đã có vaccine phòng ngừa nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam chưa đến 2% dân số. Việc xem nhẹ cảm cúm có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho cộng đồng, tạo gánh nặng xã hội.

"Ở xứ lạnh, cúm gây viêm phổi và tử vong khá cao. Cúm kéo dài thời gian điều trị, gây suy yếu hệ miễn dịch, tốn kém chi phí không chỉ với người bệnh mà còn gây áp lực cho ngành y tế nếu cúm phát thành dịch nguy hiểm. Do đó, xem nhẹ bệnh cảm cúm là điều không nên", bác sĩ Nam nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Nam, vaccine là liệu pháp hữu hiệu nhất giúp phòng tránh cảm cúm. Khi tiêm ngừa cúm, người bệnh sẽ vượt qua cúm nhanh hơn, ít biến chứng hoặc biến chứng nhẹ hơn.

Tiêm cúm cần ưu tiên các đối tượng nhiều nguy cơ như trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính có sức đề kháng yếu. Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ, nhân viên, người làm việc trong ngành y tế cũng cần phải tiêm để hạn chế bị lây hoặc lây cho người bệnh.

"Siêu vi cúm không có cấu trúc hoàn thiện, vì vậy chúng có thể thay đổi cấu trúc gen mỗi năm. Do đó, mỗi người cần tiêm ngừa cúm hằng năm. Tiêm phòng cúm thời điểm nào cũng được, vì vaccine chỉ có hiệu lực từ 2 tuần trở lên, thậm chí là 1 tháng, tùy theo thể trạng mỗi người", bác sĩ Nam nhấn mạnh.

Mỗi người cũng cần cải thiện thể chất, tinh thần và dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe. Môi trường sống và làm việc sạch sẽ, trong lành, chống bụi hoặc tránh thay đổi độ ẩm và nhiệt độ quá mức, đột ngột... góp phần giúp cơ thể khỏe mạnh.

BS.CKII. Nguyễn Trần Nam chia sẻ cách phòng, điều trị cảm cúm

Tọa đàm "Đánh bại cảm cúm cho sức khỏe vững vàng" thuộc chuyên đề Lá chắn khỏe do Báo Dân trí thực hiện, với mục tiêu giúp mỗi người trang bị cho mình những lá chắn hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Lá chắn khỏe sẽ trở thành cầu nối giữa độc giả với các bác sĩ nói riêng và ngành y tế nói chung, tư vấn kiến thức hữu ích trong phòng ngừa các loại bệnh. Đồng hành cùng Lá chắn khỏe là bác sĩ, chuyên gia y tế đến từ các bệnh viện, trường đại học hàng đầu cả nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm