Cụ ông 83 tuổi lưng đã còng vẫn lái ô tô liệu có an toàn?

Nam Phương

(Dân trí) - Việc cụ ông 83 tuổi vẫn lái ô tô bon bon trên đường khiến cộng đồng mạng xôn xao. Theo bác sĩ, ở người cao tuổi, khả năng phán đoán cũng như phản xạ bị giảm đáng kể.

Dư luận hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc cụ ông 83 tuổi vẫn lái ô tô bon bon trên đường. Một bên cho rằng việc người cao tuổi ở Việt Nam lái xe là chuyện hiếm gặp song ở nước ngoài như Nhật hay các nước châu Âu thì đây là chuyện bình thường. 

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng cụ tuổi đã cao, sức khỏe kém việc lái xe sẽ không đảm bảo an toàn. 

Theo luật của Việt Nam thì người cao tuổi, về hưu vẫn được phép lái xe ô tô nếu đảm bảo điều kiện về sức khỏe và thời hạn của giấy phép lái xe. Vì thế, việc cụ ông 83 tuổi tham gia giao thông là đúng luật. 

Cụ ông 83 tuổi lưng đã còng vẫn lái ô tô liệu có an toàn? - 1

Cụ ông lái xe ô tô gây xôn xao dư luận thời gian qua là cụ Trần Đình Vinh ở thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, Nghệ An (Ảnh: Nguyễn Tú).

Về vấn đề này, bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết nhằm đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông, nhà nước có những quy định nghiêm ngặt. Các trường hợp thi cấp bằng lái xe đều phải kiểm tra sức khỏe nhằm đánh giá chính xác và sàng lọc các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến quá trình lái xe và khả năng ra quyết định, cần thiết trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Một số bệnh lý sẽ không được cấp bằng lái xe như mù màu hoặc có rối loạn tâm thần kinh...

Theo chuyên gia, người cao tuổi đối diện với nguy cơ mất an toàn giao thông khi lái xe. Lý do vì việc lái xe đòi hỏi sự phối hợp các cơ quan như thị giác, vận động và nhận thức phức tạp. Một số người cao tuổi có thiếu hụt từ nhẹ đến trung bình trong một hoặc nhiều kỹ năng này. Hơn thế nữa, ở người cao tuổi, khả năng phán đoán cũng như phản xạ bị giảm đáng kể.

Ngoài ra, nếu xảy ra va chạm khi tham gia giao thông thì người cao tuổi sẽ dễ bị chấn thương hơn. Họ thường mắc nhiều bệnh đi kèm như loãng xương, bệnh tim mạch… 

Theo quy định, những trường hợp mắc các bệnh lý sau không nên lái xe: Người mắc các bệnh lý như suy tim, suy thận, suy gan giai đoạn nặng hay các bệnh ảnh hưởng đến chức năng vận động và phối hợp cơ quan (Parkinson, động kinh, di chứng tai biến mạch máu não...). Bên cạnh đó, còn phải kể đến các bệnh lý rối loạn tâm thần (trầm cảm, rối loạn lưỡng cực) hay mù màu, rối loạn thị giác nặng…

Độ tuổi không nên lái xe ô tô là nam không nên quá 60 và nữ không nên quá 55.

Ngoài ra, khi lái xe ôtô mọi người nên bỏ những thói quen gây mất an toàn như sử dụng điện thoại, đeo tai nghe, đi giày cao gót, gác chân lên bàn đạp côn…

Bộ Y tế mới đây có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường quản lý nhà nước trong khám sức khỏe (đi làm, đi học, lái xe, lái tàu, phi công, thuyền viên, khám tuyển nghĩa vụ quân sự). Trong đó, Bộ lưu ý tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở thực hiện khám sức khỏe, nghiêm túc thực hiện các quy định về khám và cấp giấy khám sức khỏe. Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý theo các mức độ đối với các thiếu sót, tồn tại phát hiện trong quá trình thanh, kiểm tra. Qua đó ngăn chặn và hạn chế việc cấp giấy khám sức khỏe giả, cấp khống giấy khám sức khỏe, tăng cường chất lượng khám sức khỏe. 

Bộ cũng yêu cầu cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe cần tăng cường chất lượng trong công tác khám sức khỏe người lái xe, chú trọng các chuyên khoa như mắt, tâm thần, cơ xương khớp.