Cụ bà 80 tuổi bị tai biến, suy thận mãn tính "đánh bại" Covid-19 kỳ diệu

Hữu Khoa

(Dân trí) - Hơn 80 tuổi, bị di chứng tai biến nằm một chỗ, suy thận mãn tính giai đoạn cuối, loét tỳ đè, nhiễm trùng… cùng nhiều bệnh nền nặng, song cụ Nguyễn Thị Thịnh đã "đánh bại" Covid-19 một cách kỳ diệu.

Cụ bà 80 tuổi bị tai biến, suy thận mãn tính đánh bại Covid-19 kỳ diệu - 1

Cụ Thịnh trong ngày xuất viện.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (52 tuổi, nhà quận 6, con dâu bà Thịnh) cho biết, mẹ chồng bà phát hiện mắc Covid-19 khi test nhanh tại Bệnh viện quận 8, nơi bà đến đây chạy thận nhân tạo.

Ban đầu gia đình vô cùng lo lắng bởi bà tuổi cao lại mắc nhiều bệnh nền, sức khỏe yếu.

Cụ bà 80 tuổi bị tai biến, suy thận mãn tính đánh bại Covid-19 kỳ diệu - 2

"Gia đình hay tin cụ xuất viện ai cũng mừng sau khi đưa vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 6 (phường An Khánh, TP Thủ Đức). Gần 20 ngày, mẹ tôi đã "đánh bại" được Covid-19, xuất viện trong niềm vui, hạnh phúc của các y bác sĩ và người thân", chị Cẩm Tú chia sẻ.

Cụ bà 80 tuổi bị tai biến, suy thận mãn tính đánh bại Covid-19 kỳ diệu - 3

Chị Nguyễn Thị Cẩm Tú vui mừng khi mẹ đã "đánh bại" Covid-19.

Theo chị Tú, gia đình có 6 người nhưng chỉ một mình bà Thịnh mắc Covid-19. Chị là một trong những người thân duy nhất chăm sóc bà tại bệnh dã chiến.

"Các y bác sĩ đã hỗ trợ hết mình, thường xuyên thăm hỏi và động viên khi hai mẹ con ở đây điều trị, xem hai mẹ con như những người nhà ruột thịt. Trong quá trình chăm sóc mẹ, tôi không may bị dương tính, mọi việc đi lại, ăn uống, đưa bà đi chạy thận tất cả do một tay các bác sĩ đảm nhận. Nay mẹ và tôi được ra viện tôi vô cùng biết ơn".

Cụ bà 80 tuổi bị tai biến, suy thận mãn tính đánh bại Covid-19 kỳ diệu - 4

Xe cứu thương hỗ trợ đưa đón cụ về nhà.

Anh Trần Anh Tuấn (tài xế xe cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược, hỗ trợ đưa đón bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 6), là người chở bà Thịnh từ Bệnh viện dã chiến số 6 sang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Anh kể ban đầu Bệnh viện dã chiến số 6 chưa có Khoa chạy thận nhân tạo, việc này phụ thuộc vào bệnh viện khác.

"Thấy cụ hết bệnh mừng rơi nước mắt, đúng là kỳ tích, sức khỏe cụ yếu lắm, không ngồi được mà chỉ nằm băng ca, ai cũng nghĩ bà không vượt qua. Mỗi lần đưa cụ đi chạy thận, các bác sĩ ôm cụ vào lòng, nhìn vào cứ nghĩ người thân, người nhà, con ôm mẹ chứ không phải bác sĩ" anh Tuấn nói. 

Cụ bà 80 tuổi bị tai biến, suy thận mãn tính đánh bại Covid-19 kỳ diệu - 5

Bác sĩ  Trần Văn Tiến (Bệnh viện Thống Nhất, người bế cụ Thịnh) cho biết, ban đầu tiếp nhận các bác sĩ rất lo lắng cho sức khỏe của cụ Thịnh và nghĩ cụ sẽ không qua khỏi.

"Cụ ngồi ngửa đầu ra sau, sức khỏe rất yếu, mình và anh em trong nghề nghĩ cụ sẽ không qua được. Tuy nhiên, không vì thế mà anh em buông tay.

"Các bác sĩ đều cố gắng để việc chạy thận cho cụ đúng chu kỳ. Hàng ngày mình và bác sĩ Hùng ôm cụ lên, bê cụ xuống đưa đi chạy thận nhân tạo. Anh em cố gắng cho cụ uống sữa, truyền đạm để nâng thể trạng" - bác sĩ Tiến kể. 

Cụ bà 80 tuổi bị tai biến, suy thận mãn tính đánh bại Covid-19 kỳ diệu - 6

Các bác sĩ dặn dò gia đình chăm sóc sức khỏe cụ sau khi ra viện.

Ông Phan Minh Hoàng - Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6 cho biết, cụ Nguyễn Thị Thịnh được đưa vào bệnh viện trên một bệnh lý, bệnh nền rất nặng, bệnh suy thận mãn tính giai đoạn cuối, kèm theo một số bệnh lý khác, đặc biệt là dương tính SARS-CoV-2 diễn tiến khá nhanh.

Sau khi bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 6 tiếp nhận, đánh giá đây là một trường hợp rất nặng, khả năng nguy kịch bất cứ lúc nào. Các bác sĩ đã bắt đầu Hội chuẩn chuyên môn và đưa ra phát đồ điều trị sớm cho cụ, giúp cụ vượt qua thời điểm tử thần đang rình rập.

Từ khi tiếp nhận điều trị cho cụ, Bệnh viện dã chiến số 6 không có Khoa chạy thận nhân tạo, hàng ngày phải đưa đi chạy thận nơi khác. Các y bác sĩ, tài xế xe cứu thương hỗ trợ tận tâm, hết lòng vì bệnh nhân.

Có những ngày các anh đi từ 8h sáng hôm trước và kết thúc lúc 2h sáng ngày hôm sau mới về. Sau khi Khoa thận nhân tạo tại bệnh viện đưa vào điều trị cho bệnh nhân, giải áp rất nhiều cho nhân viên y tế.

"Niềm vui là sau những ngày chống chọi và giành giật với "lưỡi hái tử thần" thì cụ Thịnh được ra viện. Trong niềm vui của người nhà, trong đó có nhân viên y tế chúng tôi là những người hạnh phúc nhất, sung sướng nhất khi thấy cụ xuất viện. Đó chính là động lực và niềm hạnh phúc to lớn nhất với nhân viên y tế chúng tôi, để tiếp tục vượt qua những khó khăn, cùng bệnh nhân chiến thắng đại dịch này", Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 6 cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm