Covid-19 có bao nhiêu đột biến?
(Dân trí) - Câu trả lời ngắn gọn là rất nhiều, nhưng chỉ có một chủng hiện đang khiến các bác sĩ quan tâm. Các nhà khoa học đang lo ngại rằng virus gây Covid-19 có thể đã đột biến khiến nó dễ lây lan hơn.
Một nghiên cứu sơ bộ từ ngày 30 tháng 4 và một nghiên cứu khác ngày 12 tháng 6 cho thấy biến thể của virus, được gọi là G614, có đặc tính cho phép virus dễ dàng nhiễm vào các tế bào hơn và do đó lây lan nhanh hơn. Mối lo ngại càng gia tăng vào tuần trước khi TS Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID), thảo luận về ý tưởng này trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến.
Một đột biến đẩy nhanh tốc độ lây lan của Covid-19 có thể giải thích tại sao virus SARS-CoV-2 lại lan ra quá nhanh như vậy trên khắp Bắc Mỹ và châu Âu, nơi mà phiên bản đột biến G614 chiếm ưu thế. Phiên bản gốc của virus, D614, chủ yếu thấy ở Trung Quốc và các vùng khác của Châu Á.
Chúng ta nên lo lắng đến mức nào?
Không phải tất cả các chuyên gia đều tin rằng virus đã biến đổi thành dạng dễ lây lan hơn. Greg Poland, một chuyên gia của Hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) cho biết: “Tôi không cảm thấy chúng ta có dữ liệu cụ thể để tự tin nói như vậy”. Một bài báo đăng ngày 3 tháng 7 năm 2020 trên tạp chí Cell cho rằng vẫn chưa rõ về bản chất lây nhiễm và các khía cạnh khác của tập tính virus thay đổi.
Vậy việc một virus có thể đã đột biến để lây lan hiệu quả hơn có ý nghĩa gì, và điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nỗ lực kiềm chế đại dịch?
Các virus thường xuyên đột biến như thế nào?
Có hai loại virus trên thế giới: virus ADN, chứa hai chuỗi thông tin di truyền giống hệt nhau và virus ARN chỉ chứa một chuỗi. Giống như cúm, SARS-CoV-2 là một virus ARN. TS Poland, đồng thời là giám đốc Nhóm nghiên cứu vắc xin Mayo ở Rochester, Minnesota, và là tổng biên tập của tạp chí Vaccine cho biết: "Tất cả các virus ARN đều đột biến. Chúng không thể không đột biến". "Đột biến có nghĩa là thay đổi di truyền trong virus. Đột biến có thể làm cho virus nghiêm trọng ít hơn, nghiêm trọng nhiều hơn hoặc không thay đổi."
Virus ARN không chỉ có thể đột biến mà còn dễ dàng đột biến. Virus ADN có hai chuỗi thông tin di truyền nên đột biến trên một chuỗi có thể nhanh chóng được phát hiện và xóa bỏ. Với chỉ một chuỗi thông tin di truyền, ARN không có cơ chế kiểm tra thực tế bên trong, và các đột biến sẽ tồn tại và nhân lên.
Nhiễm nhiều hơn = đột biến nhiều hơn
Khi virus truyền sang người, chúng càng có nhiều khả năng nhân lên và càng có nhiều cơ hội đột biến. TS Poland cho biết SARS-CoV-2 đột biến chậm hơn virus cúm nhưng đến nay, nó đã đi qua rất nhiều vật chủ và nhân lên rất nhiều lần, có hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí nhiều đột biến hơn nữa. Đại đa số trong số này là vô giá trị về mặt di truyền và sẽ bị gạt bỏ.
Nhưng sẽ chỉ có nhiều đột biến hơn. "Do thiếu sửa chữa, SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục đột biến với tốc độ hiện tại", TS. S. Wesley Long, phó giáo sư về bệnh học và y học gen, Bệnh viện Houston Methodist, cũng giải thích thêm rằng "hầu hết những đột biến này không ảnh hưởng đến virus".
Đột biến G614 có điểm gì khác?
Đột biến G614 - sự thay đổi ở một axit amin - là đột biến thu hút sự chú ý của mọi người. Nó ảnh hưởng đến protein gai (S), protein nhô ra khỏi bề mặt của virus tương tự như những gai nhọn trên vương miện. Những gai này cho phép virus xâm nhập vào các tế bào vật chủ. Nghiên cứu mới cho thấy protein gai mang đột biến đó có thể lây nhiễm thành công hơn vào tế bào. Khi đã ở trong tế bào, virus có nhiều cơ hội sinh sản và đột biến hơn.
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng virus đột biến có thể gây ra bệnh nặng hơn. "Điều quan trọng cần nhớ là Covid-19 với đột biến này đã phổ biến ở Mỹ và Châu Âu từ tháng 3, và hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy đột biến này hoặc bất kỳ đột biến nào khác khiến một chủng Covid-19 cụ thể trở nên nghiêm trọng hơn hoặc chết người hơn”, TS Long cho biết thêm.
Đột biến có giải thích được cho tốc độ lây truyền không?
Chắc chắn là có, việc có các chủng virus khác nhau có thể giải thích cho sự khác biệt giữa các vùng về tốc độ lây lan của bệnh, nhưng các chuyên gia còn lâu mới có thể khẳng định chắc chắn. Trên thực tế, một nghiên cứu sơ bộ khác được cập nhật vào ngày 30 tháng 6 kết luận rằng G614 không làm tăng khả năng lây truyền.
Thông thường hơn, khả năng lây truyền tăng lên là do các yếu tố di truyền của vật chủ, và không những yếu tố này là không ít. TS Poland nói: “Đó có thể là lý do văn hóa, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, đái tháo đường nhiều hơn, béo phì nhiều hơn, ít tuân thủ hơn, v.v... và v.v…”.
Điều này có ý nghĩa gì đối với vắc xin và phương pháp điều trị?
Các đột biến có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tiềm tàng của vắc-xin và phương pháp điều trị. Một trong những lý do khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tạo ra vắc xin cho HIV là virus này đột biến quá nhanh. Trên thực tế nó đột biến ngay trong quá trình điều trị, khiến một phương pháp điều trị nào đó có thể hoàn toàn vô ích. Đó là lý do tại sao mọi người cần dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc để đánh bại virus.
Hiện tại, đột biến SARS-CoV-2 không ảnh hưởng đến các phương pháp điều trị hoặc vắc xin, nhất là vì cả hai vẫn đang trong quá trình thực hiện. “Các đột biến có thể xảy ra ảnh hưởng đến vắc xin tiềm năng hoặc hiệu quả của các liệu pháp kháng virus”, TS Long nói. "Đây là một lý do tại sao vắc xin cúm phải thay đổi hàng năm. Cho đến nay, với SARS-CoV-2, chưa có đột biến nào như vậy được xác định, nhưng các phương pháp điều trị và vắc-xin cũng đang được phát triển, vì vậy rất khó để đoán trước được điều gì."
Tin tốt cho bây giờ
Một phân tích sơ bộ về trình tự gen SARS-CoV-2 của các bệnh nhân do TS Long là đồng tác giả không tìm thấy bằng chứng về các đột biến khiến virus kháng lại các thuốc kháng virus như remdesivir, vốn được chứng minh là giúp đẩy nhanh thời gian phục hồi ở người lớn mắc Covid -19. Ngược lại, các chủng SARS-CoV-2 mà họ xem xét có vẻ đáp ứng tốt với remdesivir.
Không ngoa khi nói rằng SARS-CoV-2 có thể tiến hóa thành một virus tương tự như cúm, có các đợt lặp lại hoặc theo mùa; Tuy nhiên, TS Poland nói, "đó là một khả năng xa vời."
Quay lại với phòng ngừa
Những điều nói trên đưa chúng ta trở lại với một thứ mà ai cũng đã biết: Phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.
TS Poland giải thích “Chỉ có hai con đường để bị nhiễm virus. Thứ nhất là hít thở phải nó. Thứ hai là chạm vào bề mặt bị ô nhiễm và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. Duy trì khoảng cách xã hội, tránh đám đông, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước nếu có. Nếu không, hãy sử dụng chất khử trùng tay có cồn.
"Không có gì bí ẩn, huyền bí hay ma quỷ về điều này," ông nói thêm. "Nếu bạn đeo khẩu trang, nếu bạn giữ tay sạch sẽ và nếu duy trì sự giãn cách với xã hội, bạn sẽ không thể bị nhiễm bệnh".