Công nhân sản xuất tấm lợp dễ bị bệnh bụi phổi Amiăng?
(Dân trí) - Đó là lo lắng của rất nhiều công nhân làm trong ngành. Tuy nhiên kết luận mới đây của Hội đồng chẩn bệnh nghề nghiệp cho các công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất tấm lợp fibrô ximăng cho thấy, họ không có tổn thương phổi do bệnh bụi phổi Amiăng.
Hội đồng hội chẩn là các chuyên gia quốc gia về chẩn đoán hình ảnh, bệnh phổi và bệnh nghề nghiệp… Các chuyên gia đã đọc trực tiếp từng phim trên màn hình chiếu sáng, so sánh với phim mẫu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Theo GS Hoàng Đức Kiệt, Chủ tịch Hội điện quang y học hạt nhân Việt Nam, hiện tại không phát hiện thấy ca nào có tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi Amiăng sau ba lần đọc phim. Tuy nhiên, phát hiện hai ca mắc bệnh lao phổi. Một số phim có các biểu hiện nghi ngờ cần được kiểm tra thêm bằng phim CT Scaner, trong đó, 01 ca có biểu hiện dày màng phổi trái, một số ca có biểu hiện giãn phế quản nền phổi. Có 01 ca có biểu hiện tiêu xương sườn cần được khám chuyên khoa sâu để phát hiện tổn thương kèm theo.
Theo ông Lê Minh Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, sản xuất tấm fibrô ximăng và ống nước fibrô ximăng chỉ chứa một lượng nhỏ sợi amiang trắng (từ 8-10%) trong đó tỷ lệ các loại vật liệu thô khác được sử dụng là ximăng 55%, tro bụi than thiên nhiên là 35%. Các sợi chrysotile (amaing trắng) được gắn kết chặt chẽ với hạt ximăng trong suốt quá trình sản xuất nên khó có thể bị phân tán ra môi trường bên ngoài nếu được sử dụng đúng quy cách. Những nghiên cứu khoa học đã kết luận rằng việc sử dụng amiang trắng trong việc sản xuất các sản phẩm fibrô ximăng có kiểm soát là an toàn đối với công nhân, môi trường và cộng đồng.
Lĩnh Nam