Công dụng của gấc

(Dân trí) - Gấc mọc hoang và được trồng khắp nước ta. Nhưng tác dụng của gấc tới sức khoẻ con người ra sao thì ít ai nắm được. Không phải ngẫu nhiên mà người Tây phương gọi gấc là “một loại quả đến từ thiên đường”.

Gấc là loại dây leo, mỗi năm lụi một lần, nhưng lại đâm chồi từ gốc cũ vào mùa xuân năm sau. Quả gấc hình bầu dục, vỏ có nhiều gai, khi chín màu vàng đỏ đẹp tươi. Gấc còn được gọi là mộc miết, hạt gấc gọi là Mộc miết tử. Xôi gấc là món ăn khoái khẩu của nhiều người: Quả chín đem bổ, vét hạt và màng đỏ, trộn với gạo nếp rồi đem đồ.

 

Nhưng trong trái gấc, dầu gấc mới là phương thuốc kỳ diệu và đáng kể nhất. Dầu gấc sánh, trong, màu đỏ tím đậm, mùi thơm vị ngọt, béo. Dầu gấc có chức năng phòng chống thiếu vitamin, tăng khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể, chống ô xy hoá, chống lão hoá tế bào, phòng chữa bệnh tật, loại bỏ các tác động có hại của môi trường như hoá chất độc, tia xạ... giúp cơ thể phát triển khoẻ mạnh, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

 

Trong dầu gấc, hàm lượng Beta Caroten, Lycopen, Alphatocopherol... của dầu gấc cao gấp 68 lần cà chua. Chất Lycopen có tác dụng chống lão hoá, phòng chữa sạm da, khô da, rụng tóc, da nổi sẩn… có tác dụng dưỡng da, bảo vệ da, giúp cho da luôn hồng hào, và mịn màng. Mặc dù vậy, y học khuyến cáo mỗi ngày người lớn chỉ sử dụng 20-25 giọt và 5-10 giọt đối với trẻ em.

 

Ở Việt Nam, người đầu tiên đặt thương hiệu cho trái gấc với tên gọi VINAGA (tức Gấc Việt Nam) là bác sỹ Nguyễn Công Suất. Sau nhiều năm nghiên cứu, bác sĩ Suất đã chế thành công viên nang Vinaga chiết xuất từ trái gấc. Sử dụng sản phẩm theo đúng các hướng dẫn cũng rất có ích cho sức khoẻ.

 

Viên nang dầu gấc không những phòng ngừa ung thư mà còn  giúp sáng mắt và đem lại sự tươi trẻ và sắc đẹp cho phụ nữ (chữa khô da, dưỡng da). Với trẻ em, nó cung cấp vi chất giúp trẻ phát triển toàn diện. Với những người nghiện thuốc lá, nó có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật tốt hơn cà rốt và cà chua gấp hàng chục lần.

 

Ngân Mai

Dòng sự kiện: Thuốc từ quả