Thừa Thiên Huế:

Công bố nguyên nhân ban đầu vụ mẹ con tử vong sau khi sinh thường

(Dân trí) - Sáng 7/12 theo tin từ SởY tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế về sự cố y khoa, vụ việc mẹ con sản phụ tử vong sau khi sinh thường tại Bệnh viện Phú Lộc (huyện Phú Lộc).

Theo đó, thai phụ T. (23 tuổi, trú thôn Hòa Mậu, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhập viện vào khoa sản của Bệnh viện Phú Lộc vào 2h45’ khuya ngày 30/11 với lý do đau bụng. Ghi nhận lúc vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, không phù. Mạch 80 lần/phút, nhiệt độ 37oC, huyết áp 150/90 mmHg, nhịp thở 20 lần/phút, cân nặng 62 kg.

Khám toàn thân chưa phát hiện bất thường, khám chuyên khoa: BCTC/VB = 30/100 cm, Tim thai 145 lần/ phút, Cổ tử cung chưa có dấu hiệu xóa mở. Xét nghiệm công thức máu: hồng cầu 4.24 x 1012/l, bạch cầu 10.6 x 109/l, Hb 103g/l, Hct 33%, Ts 3, Tc 7, Serodia và nước tiểu: Protein âm tính. Siêu âm: Tử cung có 1 thai 38 tuần, đã trưởng thành, tim thai (+), ngôi thuận. Được chẩn đoán: thai con so đủ tháng/Tăng huyết áp thai kỳ.

Thai phụ được điều trị Amlodipin 5mg x 01 viên, uống (lúc 23h50’), nghỉ ngơi tại giường, Chăm sóc cấp I. Từ ngày 1/12 đến 2/12, thai phụ được chăm sóc và được điều trị thuốc hạ huyết áp Amlodipin. Đồng thời bệnh viện theo dõi sát mạch, nhiệt độ, huyết áp, các yếu tố chuyển dạ.

Bệnh viện Phú Lộc
Bệnh viện Phú Lộc

Vào ngày 3/12, lúc 10h30’, khám mạch 80 lần/phút, nhiệt độ 37oC, huyết áp 150/100 mmHg, tim thai 127lần/phút, cổ tử cung xóa 70%, mở 3cm, mép cổ tử cung dày, ối đã vỡ, cơn go thưa. Chẩn đoán: Thai co so 38 W, chuyển dạ/ Ối vỡ sớm/ Tăng huyết áp. Điều trị: Cephalexin 500mg x 04 viên, uống (11g-18g00), Amlodipin 5mg x 01 viên, uống (11g30), Buston 20mg x 01 ống, tiêm tĩnh mạch chậm,

Tiếp đến vào lúc 13h, khám qua thấy thai phụ tỉnh táo, huyết áp 120/80 mmHg, tim thai 130 lần/phút, Cổ tử cung mở 3cm, phù nề, ối vỡ hoàn toàn. Tình trạng bình thường. Đến 19h25’ phút, sản phụ tỉnh táo, huyết động ổn, cổ tử cung mở 9 cm, xóa 90%, tim thai 138 lần/ phút. Sản phụ mót rặn, cho vào buồng sinh.

Lúc 20h10’, sản phụ đau nhiều, bắt rặn. Huyết áp 120/80mmHg. Cổ tử cung mở hết, tim thai dao động 120-142l/ phút. Bệnh viện đã cho sản phụ thở ôxy, truyền dịch. Do sản phụ rặn yếu nên BS Hương (BS CK I Sản trực) chỉ định cắt tầng sinh môn ở vị trí 7g, đặt giác hút hỗ trợ, sinh 1 trẻ trai, da tím, không khóc.

Bé trai được cắt rốn nhanh, hút đờm giải, thở ôxy, xoa bóp tim nhưng trẻ vẫn chưa khóc. Về phần sản phụ, chủ động xử trí tích cực, lấy nhau thai có kiểm soát, màng múi đủ, kiểm tra tầng sinh môn, niêm mạc âm đạo mũn rách nhiều chỗ. Cổ tử cung không rách, tử cung co hồi kém.

Bệnh viện đã xử trí dùng thuốc tăng go và xoa bóp tử cung qua thành bụng, máu tươi chảy ra từ âm đạo 200 ml. Lúc 21h20’, sản phụ vẫn mệt, gọi hỏi vẫn trả lời được, mạch 92lần/ phút, huyết áp 100/60 mmHg. Tiếp tục thở ôxy, truyền dịch Ringerlactat chảy tự do và Thiết lập thêm đường truyền thứ 02 bằng dung dịch Gelafuldin (dung dịch đã sử dụng là 5 chai).

Tuy nhiên tình trạng sản phụ không cải thiện và diễn biến xấu như mạch nhanh, huyết áp tụt không đo được. Tiên lượng bệnh dè dặt, mời hội chẩn kíp trực thống nhất chẩn đoán sản phụ Băng huyết sau sinh. Đồng thời, bệnh viện Phú Lộc đã lập thủ tục chuyển ngày lên Bệnh viện Trung ương Huế lúc 21g30’ bằng xe cấp cứu.

Do quá nặng nên sản phụ và trẻ sơ sinh đã tử vong khi đến Bệnh viện Trung ương Huế vào lúc 22h tối cùng ngày.

Đám tang đầy thương tâm tại nhà mẹ sản phụ T. ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (ảnh: T.H)
Đám tang đầy thương tâm tại nhà mẹ sản phụ T. ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc (ảnh: T.H)

Kiểm tra sổ theo dõi thai sản tại Trạm Y tế xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, nơi thai phụ sinh sống, nhận thấy thai phụ được trạm y tế khám thai 3 lần vào các ngày 20/5, 17/8 và 20/11, chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.

Khi thai phụ vào viện từ ngày 30/11 được đón tiếp, chăm sóc và theo dõi tại Khoa sản theo hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, thăm khám và theo dõi thai nhi đầy đủ. Khi sự cố xảy ra, kíp trực đã tích cực xử trí với mọi khả năng có thể, tuy nhiên do diễn biến quá nhanh, đoạn đường chuyển viện xa (trên 40km) nên không thể duy trì huyết áp trong thời gian chuyển viện.

Theo ông Hoàng Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận định ban đầu về nguyên nhân tử vong mẹ là băng huyết sau sinh trên sản phụ có tăng huyết áp thai kỳ. Trẻ sơ sinh tử vong do ngạt vì chuyển dạ kéo dài.

Ngay sau khi sản phụ tử vong Bệnh viện Phú Lộc đã làm công tác tư tưởng, bố trí xe đưa sản phụ và trẻ sơ sinh về nhà và tổ chức thăm viếng, hỗ trợ, động viên. Hiện tại, Công an huyện Phú Lộc đã tiến hành phẫu thuật Giám định pháp Y và niêm phong hồ sơ bệnh án. Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Phú Lộc tiếp tục tiến hành thăm hỏi, động viện, hỗ trợ, giúp đỡ gia đình sản phụ vì hoàn cảnh gia đình sản phụ neo đơn và thuộc hộ nghèo.

Ngay khi có kết quả giám định pháp y và có trưng cầu của Công an uyện, Ban thẩm định tử vong mẹ của tỉnh sẽ tiến hành thẩm định theo quy trình để báo cáo Bộ Y tế. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của kíp trực và Bệnh viện Phú Lộc để kiểm điểm, rút ra kinh nghiệm chuyên môn trên toàn tỉnh và đề xuất giải pháp cải thiện, nhằm hạn chế thấp nhất tình hình tai biến sản khoa và sơ sinh, cũng nhằm kịp thời cảnh báo cho toàn ngành, ngày 5/12, Sở Y tế đã có Công văn số 3179/SYT-NVY về việc chấn chỉnh công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại Dương