Côn trùng lạ tấn công người dân
Những ngày qua, những người dân ngụ ven quốc lộ 1A, đoạn gần cầu vượt Bình Phước, hốt hoảng vì loài côn trùng lạ cắn gây ngứa, chảy máu...
Những ngày qua, tại phường Tam Bình, Q. Thủ Đức, TPHCM, những người dân ngụ ven quốc lộ 1A, đoạn gần cầu vượt Bình Phước, hốt hoảng vì loài côn trùng lạ cắn gây ngứa, chảy máu...
Đây là loại côn trùng nhỏ như đầu tăm tre, có cánh và chân, không bay mà di chuyển bằng cách bật nhảy rất xa. Chúng trú ngụ tại các nhà 114, 116, 118… QL 1A khu vực nói trên.
Hốt hoảng vì bất ngờ
Giữa tuần qua, khi đến khu vực dân cư nói trên, chị Nguyễn Thị Giang (ngụ số nhà 112) cho biết, côn trùng lạ này có rất nhiều vào đêm, từ 7 giờ tối trở đi. Chúng ẩn nấp khắp nơi và “nhảy ra cắn người”. Chị Giang nói: “Nhà tôi chưa thấy có loại côn trùng này nhưng tôi sợ quá nên gọi điện cho báo SK& ĐS báo tin. Vào buổi tối côn trùng nhiều lắm”.
Ông Nguyễn Đóa (76 tuổi, ngụ tại nhà số 114) tiếp chuyện tôi bằng cách vén áo, quần cho xem chi chít những vết đỏ bầm do côn trùng cắn ở tay, chân và bụng. Ông nói: “Ngứa lắm, càng gãi càng ngứa”. Ông Trung còn đi tìm và bắt về cho chúng tôi xem 1 con côn trùng, thứ đã cắn ông. Anh Nguyễn Trung (cũng ngụ tại số 114) chìa tay ra: “Anh xem, tôi bị cắn chi chít đây này. Ngứa lắm”.
Nhiều người dân ở đây bị côn trùng lạ ẩn nấp trong nhà vệ sinh, phòng ngủ… nhảy lên người và cắn như vậy. Trong đó, có mấy trẻ nhỏ bị cắn đau và ngứa quá phải đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, để được khám và cho thuốc. Tuy nhiên, do bác sĩ không được người nhà thông báo là các cháu bị côn trùng cắn nên chỉ cho các thuốc điều trị triệu chứng.
Để an toàn cho các cháu nhỏ, bố mẹ chúng đã cho chúng đến ở nhờ nhà bà con thuộc khu vực khác; còn người lớn vẫn ở lại để giữ nhà, duy trì công việc làm ăn.
Khi bị côn trùng cắn, người dân ở đây “có gì bôi nấy, chủ yếu là dầu gió xanh”, chị Giang nói. May là, ngoài những vết sưng bầm, người bị côn trùng đốt không bị sốt hay những biểu hiện khác thường gì cả.
Tuy nhiên, điều khiến những người nơi đây thêm phần lo lắng là không biết loại côn trùng nói trên tên là gì và mức độ nguy hiểm ra sao. Anh Trung cho rằng đó là loại bọ chét thường có trên loài chó (hay còn gọi là bọ chó). Anh nói: “Tôi lên mạng thấy loài côn trùng này đúng là bọ chó vì hình dạng giống, vết đốt cũng giống”. Tuy nhiên chị Ỷ Lan, ở nhà gần nhà anh Trung, nói: “Không phải là bọ chó vì tôi dùng thuốc xịt bọ chó mà chúng không chết”. Có người còn quả quyết: “Loài côn trùng này khi bị dí bẹp chết thấy có máu ra”.
Người dân ở đây tìm mọi cách để diệt hoặc xua lũ “côn trùng lạ”, bằng thuốc xịt muỗi, xịt bọ chó, rắc vôi bột… nhưng không thành công. Riêng chị Ỷ Lan nói chị sau khi tốn nhiều trăm ngàn đồng thử các loại thuốc không thành đã dùng long não tán mịn rắc khắp nơi thì hình như chúng tản đi chứ không chết.
Khoanh vùng, diệt côn trùng
Quan sát môi trường khu vực có cô trùng xuất hiện thấy không có gì khác thường, trong khi người dân đang hoang mang, chúng tôi sau khi chia tay họ lập tức đến Trạm Y tế phường Tam Bình để báo tin. Tiếp chúng tôi, BS. Nguyễn Duy Nghĩa - Trạm trưởng khá bất ngờ khi hay tin có côn trùng lạ. Sau khi được chúng tôi thông báo tin hình và cung cấp địa chỉ khu vực dân cư cụ thể, BS. Nghĩa liền cử nhân viên của trạm đến nắm tình hình. Sau khi xác nhận việc có “côn trùng lạ”, Trạm Y tế đã báo với Trung tâm Y tế dự phòng Q.Thủ Đức đến hiện trường ngay và cho xịt thuốc diệt côn trùng ngay trong chiều tối cùng ngày. Đến hôm sau, Trung tâm Y tế dự phòng còn cử người xịt thuốc thêm một lần nữa.
Khi tờ báo này lên khuôn (tính đến tối ngày 18/11/2014), qua 2 lần xịt thuốc, không thấy côn trùng xuất hiện trong khu vực nói trên, không thấy chúng lây lan sang khu vực kế cận. Người dân ở đây cho biết họ đã an tâm để trở lại sinh hoạt, những đứa bé tạm đi sơ tán mấy ngày cũng đã quay về nhà.
Tuy nhiên, loài “côn trùng lạ” này vẫn lạ đối với họ, vì đến nay họ chưa được nghe thông tin gì về loài bọ này cả.
Theo Nguyễn Hưng
Sức khoẻ & Đời sống