1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cơn sóng ngầm rối loạn tình dục nữ

Nhìn bề nổi, ai cũng nghĩ mấy ông chồng mới hay bị trục trặc chuyện gối chăn còn các bà vợ đâu mấy ai bận tâm vì. Sự thật lại không hẳn thế. Cơn sóng ngầm ưu tư chuyện tình dục ở phái nữ thậm chí còn cao hơn nam giới!

Cơn sóng ngầm rối loạn tình dục nữ - 1


  

Theo thống kê của Laumann, một nhà tình dục học nổi tiếng thế giới, năm 1999 tại Mỹ có tới 43% phụ nữ có trục trặc tình dục nhưng chỉ 31% nam giới bị rối loạn tình dục. Trong khi việc chữa trị cho nam giới đã tạm ổn thì điều trị rối loạn tình dục nữ vẫn còn lắm mông lung bởi trục trặc dàn trải rất nhiều khâu, cái nọ chồng chéo cái kia, các nhà khoa học vẫn chưa biết đâu mà lường.

 

Số nghiên cứu đã công bố về loại rối loạn này cũng còn ít. Trong thực tế, không chỉ phụ nữ ngại thổ lộ mà khi khám bệnh các bác sĩ cũng rất hiếm khi hỏi bệnh nhân về chuyện gối chăn. Do đó, rối loạn tình dục nữ có vẻ như không được chẩn đoán và điều trị đầy đủ.

 

Vì đâu nên nỗi?

 

Basson, một chuyên gia tình dục nữ, năm 2004 đã định nghĩa rối loạn tình dục nữ là các rối loạn kéo dài hay lặp đi lặp lại về ham muốn tình dục, kích thích, cực khoái, giao hợp đau và khó khăn trong khởi đầu hay hoàn tất giao hợp. Các rối loạn này gây ảnh hưởng đến tâm lý người vợ và mối quan hệ với chồng.

 

Nữ giới có trục trặc tình dục có thể có một hay cùng lúc nhiều biểu hiện sau: thường mất hay giảm hẳn ham muốn, không có kích thích dù có ham muốn hoặc kích thích chỉ thoáng qua, quan hệ không có cực khoái, giao hợp đau và thường kèm tình trạng khô âm đạo hay co thắt âm đạo. Cũng như trục trặc ở nam giới, rối loạn tình dục nữ có thể do yếu tố tâm lý hoặc bệnh lý, hoặc là kết hợp cả hai. Các bệnh lý có thể gây ra rối loạn tình dục nữ cần lưu ý là viêm nhiễm âm đạo, âm hộ, phần phụ, mãn kinh, sẹo cắt tầng sinh môn…

 

Chưa có thuốc chữa hiệu quả tuyệt đối

 

Các chuyên gia đều khuyên bước đầu tiên trong điều trị rối loạn tình dục nữ là áp dụng những biện pháp không dùng thuốc. Bệnh nhân cần thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc, rượu… tránh thức khuya, làm việc căng thẳng, mê việc hay mê con quá mà quên chăm sóc chồng. Việc trao đổi cởi mở và chân thành giữa bệnh nhân và thầy thuốc cũng có thể giúp vợ chồng hoà hợp, vui vẻ.

 

Rối loạn tình dục nữ phức tạp hơn rất nhiều so với nam. Việc chữa trị không chỉ là chuyện của bên phụ khoa, thầy thuốc chữa cho người vợ rất cần xem xét tới cả ông chồng.

 

Hiện chưa có thuốc nào tỏ ra hiệu quả hoàn toàn trong điều trị rối loạn tình dục nữ, trừ các trường hợp mãn kinh và các trường hợp vợ mất cảm hứng do chồng bị bệnh lý nam khoa.

 

Một số thuốc có thể cải thiện nhưng cũng không thể khẳng định an toàn và hiệu quả tuyệt đối: buprobion làm tăng ham muốn cho những bệnh nhân dùng chống trầm cảm nhóm ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonine nhưng lại gây nhức đầu, mất ngủ…; các thuốc ức chế men PDE5 giúp giảm khô âm đạo khi giao hợp, giao hợp đau và mất cực khoái ở một vài trường hợp; các hormon như testosterone (điều trị giảm ham muốn), estradiol (điều trị khô âm đạo)… vẫn chưa được công nhận chính thức.

 

Vai trò của bác sĩ nam khoa

 

Rối loạn tình dục nữ phức tạp hơn rất nhiều so với nam. Việc chữa trị không chỉ là chuyện của bên phụ khoa, thầy thuốc chữa cho người vợ rất cần xem xét tới cả ông chồng. Các bác sĩ tiết niệu - nam khoa sau khi tạm ổn với lĩnh vực của mình cũng đã bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực còn hóc búa này. Từ 5 - 7 năm trở lại đây, các quyển sách gối đầu giường về nam khoa, không quyển nào là không có 1 - 2 chương nói về rối loạn tình dục nữ. Các hội thảo nam khoa hay tiết niệu đều có dành 1 - 2 buổi để các chuyên gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, bàn những phát kiến mới trong điều trị rối loạn tình dục nữ. Tựu trung có hai chuyện mà bác sĩ nam khoa có thể thực hiện:

 

Chữa “yếu” cho chồng để vợ hết chán. Giảm ham muốn là dạng rối loạn tình dục nữ hay gặp nhất. Theo nhà tình dục học Rosen, tới 38% phụ nữ than phiền chán chuyện gối chăn. Một nghiên cứu nhỏ thực hiện tại bệnh viện Bình Dân năm 2006 cũng cho thấy trong số những phụ nữ có rối loạn tình dục nữ, tỷ lệ giảm ham muốn lên tới 52%. Có nhiều lý do khiến các bà vợ như thế, trong đó phải kể tới chuyện các ông chồng bị “yếu”. Yếu có thể do “ổng mau quá, chưa gì đã xong”, làm bà vợ bực bội, thà không có còn hơn, riết đâm chán. Yếu cũng có thể do quý ông không đủ cứng, dương vật nhỏ hay ngắn không thành vấn đề nhưng nó “mềm mềm, dốt dốt”, thì khoái cảm giảm nhiều. Sau cùng, những ông chồng chưa gì đã xin “hưu” sớm, ngại gần vợ, chỉ thích lai rai với bạn bè, trồng hoa, nuôi cá, xem đá banh… lâu ngày dẫn tới vợ cũng ngại gần chồng. Do vậy, mặc dù điều trị người vợ giảm ham muốn nhưng trước hết cần xem lại ông chồng.

 

Phẫu thuật cho nữ giới để tăng cường chuyện “yêu”. Do được đào tạo từ chuyên ngành tiết niệu – sinh dục nên bằng chút đường dao kéo, các bác sĩ tiết niệu – nam khoa có thể giúp quý bà cải thiện tình dục trong một số trường hợp. Các phẫu thuật này hầu hết là tiểu phẫu nhưng hiệu quả cao:

 

Hẹp bao âm vật, viêm âm vật: bệnh nhân hay ngứa âm vật, thậm chí cảm giác bỏng rát hay đau, đưa tới quan hệ bị đau, người nữ không thoải mái, đâm ra ngại; có thể điều trị bằng kem bôi tại chỗ chống viêm nhiễm hoặc nếu bao âm vật xơ chai thì tiểu phẫu xẻ rộng. Nhiễm trùng bao âm vật: có thể bị sốt, bao da âm vật mưng mủ, đau; điều trị bằng kháng sinh thích hợp, đi kèm rạch thoát mủ. Sa niêm mạc niệu đạo: thường gặp ở người mãn kinh, khi giao hợp, người nữ có cảm giác đau hay mắc tiểu; điều trị bằng các dạng thuốc estrogen bôi tại chỗ hay dạng uống, dán, đôi khi cần cắt bỏ bớt niêm mạc sa. Nhiễm trùng tuyến Skene: tuyến này nằm cạnh lỗ tiểu, nhiễm trùng gây cảm giác khó chịu khi giao hợp; điều trị bằng thuốc uống hay phẫu thuật nếu tuyến ứ mủ. Viêm tiền đình âm hộ: có cảm giác ngứa, bỏng rát âm hộ; phẫu thuật nhằm cắt bỏ toàn bộ niêm mạc bị viêm mãn tính. Ngoài ra, phẫu thuật còn có ích trong trường hợp ápxe tuyến Bartholin hay cắt bớt niêm mạc thừa nếu hai nếp môi bé dài quá (hơn 4 – 8 cm).

 

Mặc dù việc điều trị rối loạn tình dục nữ khó khăn hơn nam giới, nhưng nếu các thầy thuốc chú ý thì sẽ có nhiều bệnh nhân nữ nhận được sự cải thiện đáng kể.

 

Theo TS.BS Nguyễn Thành Như

SGTT