1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Còn nhiều “rào cản” đối với sự phát triển của hệ thống bệnh viện tư nhân

(Dân trí) - Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, chia sẻ quá tải với khối bệnh viện công lập theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập về cơ chế chính sách liên quan đến khối bệnh viện tư nhân cần được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để tháo gỡ.

Theo báo cáo của Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) thì mới đây Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có công văn trả lời, đồng tình với 8 kiến nghị của Hiệp hội và đề nghị các bộ, ban ngành Trung ương nghiên cứu, giải quyết những khó khăn vướng mắc để khối bệnh viện tư nhân phát triển bình đẳng với bệnh viện Nhà nước.

1-1440939721182
Tình hình quá tải bệnh viện đang là vấn đề nhức nhối hiện nay đối với ngành y tế

Ông Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết: “Qua 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia đầu tư, xây dựng bệnh viện, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, giúp người bệnh có nhiều sự lựa chọn hơn...Chủ trương rất đúng đắn, tuy nhiên, có một số chính sách chưa phù hợp với thực tế, chỉ tập trung cho hệ thống công lập, còn có sự phân biệt đối xử”.

Sau một năm kể từ khi ra đời, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam đã tập trung nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc vì sao hệ thống bệnh viện tư nhân chưa phát triển như mong muốn. Trong đó có nhiều bệnh viện dù đã xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả, thậm chí phải ngừng hoạt động...

Qua nghiên cứu của Ban chấp hành Hiệp hội cho thấy, hiện nay, một số chủ doanh nghiệp đầu tư bệnh viện còn mới mẻ, thiếu kinh nghiệm, công tác điều hành có những cái chưa sát thực tế. Trở ngại lớn nhất là hệ thống văn bản dưới luật chưa đi vào cuộc sống, tạo cơ chế để khối bệnh viện tư nhân phát triển. Từ đó, Hiệp hội đã làm văn bản kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế và một số Bộ, ngành có liên quan. Tuy nhiên, giữa Hiệp hội và một số Bộ, ngành vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, có những quan điểm, cách hiểu chưa có sự đồng thuận. Với những nỗ lực của Hiệp hội, bước đầu, một số khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ, Quốc hội quan tâm chỉ đạo sửa đổi.

Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/9/2015, Thông tư số 16/2015TTLT-BYT-BTC, sửa đổi Khoản 5, Điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có hiệu lực. Theo đó, bệnh nhân có BHYT đến khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế vào ngày nghỉ, ngày lễ được thanh toán BHYT như ngày làm việc bình thường. Đây là tín hiệu tích cực đối với không ít bệnh viện tư nhân, bởi tại nhiều bệnh viện, người dân chỉ có thể khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện việc mua thuốc, vật tư y tế đối với khối bệnh viện tư nhân theo Điều 52 Luật đấu thầu sửa đổi, thì các đơn vị mua thuốc không tham gia đấu thầu, được tham gia mua thuốc giá không cao hơn giá của các đơn vị trúng thầu...

Còn một bất cập khác là việc phân tuyến kỹ thuật, có nghĩa là bệnh viện có đầu tư hiện đại mấy đi nữa cũng bị phân biệt là bệnh viện loại 3, loại 4. Vấn đề này đã được Bộ Y tế điều chỉnh, các bệnh viện tư nhân không phân biệt ở Trung ương hay địa phương nếu năng lực làm được những khâu kỹ thuật nào thì BHXH Việt Nam cũng sẽ thanh toán như thế.

Tuy nhiên, vẫn còn 6 vấn đề bất cập về cơ chế chính sách liên quan đến khối bệnh viện tư nhân đang được Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị và chờ các cơ quan chức năng liên quan xem xét, giải quyết. Cụ thể như: Phân thẻ BHYT hàng năm đối với với khối y tế tư nhân; chuyển tuyến, vượt tuyến; khám, giám định dị tật, dị dạng đối với đối tượng nhiễm chất độc hóa học và khám, chữa bệnh cho người nghèo được hưởng chế độ hỗ trợ của nhà nước; một số chính sách phát triển y tế (kết hợp công - tư); chính sách thu học phí đối với khối bệnh viện tư nhân gửi cán bộ đi đào tạo; chính sách khấu trừ thuế VAT.

Đó là cơ sở, đường đi cho hệ thống bệnh viện tư nhân. “Tuy nhiên từ những văn bản đến việc thực hiện còn một chặng đường dài, nếu các cơ quan chức năng cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu được khó khăn của hệ thống bệnh viện tư và vào cuộc tháo gỡ khó khăn  thì hệ thống bệnh viện tư nhân sẽ có lối thoát”, ông Đệ chia sẻ.

Cũng theo nhận định của ông Đệ: “Hiệp hội mới ra đời được 1 năm nhưng dấu ấn lớn nhất mà chúng tôi đạt được là việc phản biện chính sách. Điều này hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội, đó là đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của bệnh viện tư nhân Việt Nam. Không một hội nghề nghiệp nào mới ra đời mà lao vào kiến nghị những vấn đề nóng, bất cập của lĩnh vực mình và được các cơ quan chức năng quan tâm và đánh giá cao. Không chỉ kiến nghị bằng văn bản, chúng tôi cũng thông qua nhiều diễn đàn của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nêu kiến nghị của mình. Trong thời gian tới tiếp tục kiến nghị những vấn đề còn khó khăn, trọng tâm là phân thẻ BHYT, phân tiêu chí, sớm xây dựng tiêu chí để phân thẻ, không phân theo cảm tính, tránh việc xin cho...”.

Theo đánh giá của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đối với kiến nghị về việc phân bổ thẻ BHYT hằng năm của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân giữa bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh, hiện nay, Luật BHYT quy định, người tham gia BHYT có quyền đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Tuy nhiên, trên thực tế, một số địa phương chưa căn cứ vào điều kiện và năng lực của cơ sở KCB để phân bổ đăng ký KCB BHYT ban đầu cho các bệnh viện, số lượng thẻ chưa thể hiện sự bình đẳng giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nhân.

Qua đây, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam thống nhất ban hành tiêu chí về năng lực, điều kiện của cơ sở KCB và tiêu chí phân bổ thẻ BHYT phù hợp để các địa phương có căn cứ phân bổ thẻ BHYT cho các cơ sở KCB một cách minh bạch và công bằng.

Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị Quốc hội sửa đổi khoản 6, Điều 22 Luật BHYT theo hướng cho thông tuyến tỉnh trước 2021; tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân KCB BHYT chuyển từ bệnh viện công lập ra bệnh viện tư nhân. Quốc hội đã thảo luận và cân nhắc kỹ khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, căn cứ vào điều kiện thực tế hiện nay, do trình độ chuyên môn, kỹ thuật của các bệnh viện ở nước ta chưa đồng đều, nếu quy định thông tuyến tỉnh sớm sẽ không phù hợp. Vì vậy, Quốc hội đã quy định thông tuyến tỉnh về KCB BHYT từ 2021.

Đối với việc chuyển tuyến KCB BHYT từ bệnh viện công lập ra bệnh viện tư nhân tại một số địa phương còn gặp khó khăn. Luật BHYT quy định, trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở KCB BHYT có trách nhiệm chuyển người bệnh kịp thời đến cơ sở KCB BHYT khác theo quy định về chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Tuy nhiên, việc chuyển người bệnh KCB BHYT từ bệnh viện công sang bệnh viện tư nhân chưa thuận lợi do Bộ Y tế chưa phân hạng đối với bệnh viện tư nhân. Vì vậy, các bệnh viện công lúng túng trong việc chuyển người bệnh tới bệnh viện tư cũng như cơ quan BHXH gặp khó khăn trong thanh toán chi phí KCB BHYT tại bệnh viện tư nhân…

Mới đây, Hiệp hội cũng đã có văn bản tham gia góp ý đối với đề nghị của Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường thực hiện Bệnh viện vệ tinh và giải pháp giảm quá tải bệnh viện, trong đó có 7 kiến nghị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện công lập và cho phép bệnh viện tư nhân được tham gia đề án bệnh viện vệ tinh.

Duy Tuyên 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm