Con người đang tự gieo ung thư vào lá phổi của mình

(Dân trí) - Phá rừng, hút thuốc lá, sử dụng hóa chất, xả thải… ra môi trường đang khiến con người chịu thảm họa từ nhiều bệnh nan y trong đó có ung thư phổi. Các chuyên gia khuyến cáo cộng đồng cần bảo vệ ‘lá phổi’ của tự nhiên, thay đổi lối sống, để cứu chính lá phổi của mình.

Đó là một trong những nội dung trọng tâm được nêu lên trong Hội nghị Khoa học chuyên đề “Sinh học tế bào – Phân tử và miễn dịch trong bệnh phổi” tổ chức tại Bệnh viện Quân y 175 (ngày 22/11). Đây là hoạt động khoa học thường niên của bệnh viện, nhưng năm nay chuyên đề về bệnh phổi đã nhận được sự quan tâm rất lớn của giới chuyên môn đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Con người đang tự gieo ung thư vào lá phổi của mình - 1
Người bệnh cần khám để phát hiện sớm những vấn đề của phổi, kịp thời can thiệp, điều trị

Các bác sĩ của Việt Nam đã được tiếp cận với những thông tin mới nhất về các bệnh lý của phổi, đặc biệt là ung thư phổi từ nhiều chuyên gia quốc tế. Tiêu biểu nhất là các nội dung báo cáo khoa học từ chuyên gia đầu ngành Hô hấp của Anh là GS.TS Peter Barnes, cùng PGS.TS Greg Hodge chuyên gia đến từ Úc.

Đề cập đến căn bệnh ung thư, các chuyên gia nhận định chính những hành động của con người như chặt phá rừng đã hủy hoại lá phổi của thiên nhiên, việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, sử dụng hóa chất độc hại, hút thuốc lá… đang là những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều loại bệnh ung thư. Trong đó, hút thuốc lá trở thành tác nhân hàng đầu gây ung thư phổi, thực quản, bàng quang, dạ dày, khoang miệng...

Trong thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc hại, có trên 40 hóa chất gây ung thư khác nhau. Đặc biệt, thành phần trong thuốc lá có chứa nicotin gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch. Những người thường xuyên tiếp xúc hay hít phải khói thuốc có nguy cơ ung thư đặc biệt là ung thư phổi cao hơn so với người hút.

Phân tích những tác nhân gây ra bệnh này, PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan thuộc Đại học Y Dược, TPHCM cho rằng: Môi trường sống mất cân bằng với lượng khói, bụi mịn từ cháy rừng, bụi lơ lửng, bụi từ khí thải của các phương tiện giao thông… sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của lá phổi tạo thành những tác nhân sinh ung.

Con người đang tự gieo ung thư vào lá phổi của mình - 2
Môi trường ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng hô hấp, gia tăng nguy cơ sinh ung

Ngoài ra, những người có tiền căn lao, sống hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, phổi không phát triển đúng mức, bị hen suyễn kéo dài, ảnh hưởng do sử dụng chất đốt sinh khối… là những nguyên nhân làm tăng khả năng mắc các bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi ở mức rất cao.

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam trong năm 2018 ung thư phổi hiện là 1 trong 5 loại ung thư phổi biến nhất trên cả nước, chiếm 21,5% số ca bệnh. Thực trạng trên đề ra yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu và phát minh những liệu pháp điều trị mới cho bệnh phổi. Sự phát triển của công nghệ sinh học tế bào phân tử và miễn dịch trong bệnh phổi đã mang lại những giải pháp hiệu quả, đáp ứng điều trị.

Tuy nhiên, việc điều trị chỉ là giải phảp xử lý phần ngọn, để tránh nguy cơ mắc bệnh, các chuyên gia cảnh báo cộng đồng cần phải chủ động thay đổi để ngăn chặn các tác nhân sinh ung qua việc chủ động bảo vệ môi trường sống, không đốt phá rừng mà cần trồng thêm nhiều cây xanh, bỏ thói quen hút thuốc, tăng cường vận động, ăn uống lành mạnh, mang khẩu trang hoặc dụng cụ bảo hộ khi di chuyển, lao động trong môi trường ô nhiễm.

Vân Sơn