Con không to béo, 7 tuổi đã dậy thì

Mới hết lớp 1, trẻ đã dậy thì dù cơ thể không phổng phao vượt trội so với các bạn cùng trang lứa.

 

Vừa kết thúc kì nghỉ hè lớp 1, chị T. (32 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) hốt hoảng thấy con bị chảy máu vùng kín. Chị cho con đi kiểm tra ngay thì ngỡ ngàng với kết quả: Cháu không bị xâm hại tình dục, màng trinh còn nguyên, chỉ là đã chính thức … dậy thì vì đó là máu sản sinh từ chu kì ‘nguyệt san’ đầu tiên. Con gái chị được kết luận là dậy thì sớm.

Trẻ đang có xu hướng dậy thì sớm. Ảnh minh họa.
Trẻ đang có xu hướng dậy thì sớm. Ảnh minh họa.

Chị T. cho biết kể từ thời điểm đó, cả gia đình đảo lộn hoàn toàn. Bản thân cháu bé chưa hiểu gì về việc này nên rất lo sợ, hoang mang. Con chưa tan học nhưng bố đã phải đứng ở cổng trường để đưa về nhà, tránh việc bị trêu ghẹo. Bản thân cháu bé cũng rất mặc cảm, tự ti vì cho là mình ‘không bình thường’.

Từ khi dậy thì, cháu bé sống khép, ít nói và học hành sa sút thấy rõ. Gia đình phải trò chuyện riêng với giáo viên chủ nhiệm để đưa cháu vào diện “giám sát đặc biệt”.

Theo tìm hiểu, con gái chị T. không phổng phao như nhiều bé gái dậy thì sớm. Thậm chí có thể nói độ lớn của cơ thể cháu chỉ trên mức trung bình so với trẻ gái lớp 1-2 (cao gần 110cm, nặng 26kg). Đó cũng là lý do khiến chị T. không hiểu tại sao con mình dậy thì sớm.

“Tôi cho cháu ăn uống khá cẩn thận và có chọn lọc vì có đọc nhiều thông tin cảnh báo trẻ dậy thì sớm. Tôi hỏi nhưng bác sỹ nói dậy thì sớm có nhiều nguyên nhân” - chị T. nói.

Trường hợp như con chị T. không phải là hiếm. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, dậy thì xuất hiện ngày càng sớm hơn (đặc biệt là ở các bé gái) ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu công bố năm 2011 của Mỹ cho thấy: 15% bé gái tại quốc gia này bước vào giai đoạn dậy thì khi lên 7 tuổi.

Hãy cho con tập thể dục

Theo BS Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi Trung ương - phần lớn các trường hợp dậy thì sớm chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số bệnh lý có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra biến đổi này như u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp.

Ở các bé gái trên 6 tuổi, những nguyên nhân kể trên thường rất hiếm gặp nhưng vẫn cần được bác sĩ cân nhắc. Một nguyên nhân khác cần được chú ý là gia tăng lượng estrogen đưa vào cơ thể từ bên ngoài qua thức ăn, đồ nhựa, …

BS Trần Thu Thủy cho biết dậy thì sớm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của trẻ. Do đó, nếu trì hoãn để dậy thì xảy ra đúng thời điểm thì các hệ cơ quan sẽ sẵn sàng để có thể phối hợp nhịp nhàng.

Chế độ tập luyện nghiêm túc hàng ngày là phương thức an toàn và hiệu quả nhất trong làm giảm tốc độ dậy thì sớm ở các bé gái. Ảnh minh họa.
Chế độ tập luyện nghiêm túc hàng ngày là phương thức an toàn và hiệu quả nhất trong làm giảm tốc độ dậy thì sớm ở các bé gái. Ảnh minh họa.

Chế độ tập luyện nghiêm túc hàng ngày là phương thức an toàn và hiệu quả nhất trong làm giảm tốc độ dậy thì sớm ở các bé gái. Trên thực tế, các nữ vận động viên điền kinh trẻ tuổi đôi khi chỉ bắt đầu dậy thì sau khi giảm chế độ luyện tập, hoặc tăng lượng mỡ cơ thể lên mức 16%.

Ngoài ra, các bé gái thừa cân cần phấn đấu đạt trọng lượng cơ thể chuẩn thông qua chế độ ăn với hàm lượng calo lành mạnh. Chế độ ăn hợp lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giảm cân.

Điều đặc biệt là cần hạn chế ảnh hưởng của estrogen (hoóc môn giới tính) ngoại lai lên cơ thể trẻ.

Đồ nhựa chứa hóa chất có tác dụng giống hoóc môn kích thích tăng trưởng

Kết quả phân tích hơn 20 loại bình sữa trẻ em của các thương hiệu nổi tiếng và hơn 450 loại hộp đựng thực phẩm, đồ uống tại Mỹ mới đây cho thấy, hầu hết các vật dụng này đều chứa hóa chất có tác dụng giống như estrogen. Trong số các sản phẩm trên có cả những loại không chứa BPA (Bisphenol A). BPA và các hóa chất nói trên hoạt động giống như estrogen trong cơ thể, bám vào các cảm thụ thể nhận dạng hoóc môn này ở một số hệ cơ quan, trong đó có hệ sinh dục và có thể dẫn tới dậy thì sớm.

Estrogen có thể tìm thấy trong thực phẩm như thịt, sữa (nếu người chăn nuôi sử dụng hoóc môn kích thích tăng trưởng), thuốc trừ sâu.

Estrogen cũng liên quan chặt chẽ tới các vật dụng làm từ chất dẻo (chai đựng nước, đồ đựng thức ăn, đồ chơi) … Mỗi lần uống một ngụm nước từ chiếc chai nhựa, ăn thức ăn được hâm nóng trong hộp nhựa, trẻ lại đưa vào cơ thể những hóa chất độc hại kích thích tổng hợp estrogen.

Việc tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu quercitin cũng góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của estrogen ngoại lai.

Quercitin có nhiều trong các loại quả họ cam chanh bưởi, táo, nho đỏ, hành tây đỏ, cà chua, bông cải xanh và các loại rau xanh, trà xanh và trà đen…

Nếu nguyên nhân gây dậy thì sớm là các khối u thì cần phẫu thuật cắt bỏ. Trường hợp không tìm thấy nguyên nhân thực thể, cha mẹ có thể chọn giải pháp điều trị cho con bằng các thuốc giảm hàm lượng hoóc môn giới tính theo chỉ định của bác sĩ.

 

Trẻ dậy thì trước 8 tuổi cần được đánh giá cẩn thận:

- Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện hàm lượng hoóc môn bất thường.

- Chụp cắt lớp, cộng hưởng từ và siêu âm giúp phát hiện các khối u có thể là nguyên nhân gây dậy thì sớm.

- Chụp X-quang cổ tay giúp xác định tốc độ trưởng thành của xương. Nếu xương già nhanh quá so với tuổi thực, ví dụ đứa trẻ lên 7 mà tuổi xương lại tương đương với trẻ 12 tuổi thì nhiều nguy cơ trẻ không đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.

Theo Hoài An

Vietnamnet