Con của mẹ “hổ” dễ bị trầm cảm

(Dân trí) - Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tuýp mẹ “hổ” – kiểm soát, trừng phạt và ít nâng đỡ - thực sự đưa con tới thành công nhưng những đứa trẻ này dễ gặp phải vấn đề trong các mối quan hệ cũng như trầm cảm, rối loạn hành vi.

Con của mẹ “hổ” dễ bị trầm cảm

 

Một thực tế rất phổ biến tại Mỹ, nơi trẻ em được nuôi dưỡng trong nhiều nền văn hóa khác nhau, là những trẻ xuất thân từ các gia đình đông Á thường được định sẵn ngay từ bé con đường để trở thành bác sĩ, kỹ sư hoặc luật sư, cùng với những nghề nghiệp nổi bật khác.

 

Ít nhất là đối với người Trung Quốc, mẹ “hổ” là týp người mẹ điển hình – nghiêm khắc, kiểm soát, và không nâng đỡ. Nhưng tuy trẻ em lớn lên trong môi trường gia đình như vậy dễ đạt được thành công hơn, song chúng cũng phải trả giá đắt về cảm xúc.

 

Lần đầu tiên người ta chú ý đến mẹ “hổ” là từ cuốn sách “Chiến ca của Mẹ Hổ” của Amy Chua năm 2011, cuốn sách so sánh cách nuôi dạy con kiểu Trung Quốc truyền thống với kiểu phương Tây. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các mẹ “hổ”thực sự chiến thắng trong việc đưa con đến với thành công.

 

Một nghiên cứu hồi đầu năm nay của trường Queen, Đại học New York thấy rằng mặc dù cả trẻ em Trung Quốc và da trắng đều có điểm số ngang nhau trong các bài kiểm tra, song chính đạo đức trong công việc mà mỗi trẻ em Trung Quốc đều thấm nhuần mới đưa chúng tới thành công.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng thấy rằng  những trẻ này dễ gặp phải những vấn đề trong phát triển mối quan hệ, cũng như trong việc tự định hình bản thân.

 

Còn nghiên cứu mới đây thấy rằng những trẻ này có thể cũng bị những vấn đề tâm thần như trầm cảm và rối loạn hành vi.

 

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy týp mẹ “hổ” – kiểm soát, trừng phạt và ít nâng đỡ - thực sự không có tác dụng trong mẫu nghiên cứu gồm các trẻ vị thành niên người Hoa,” TS. Cixin Wang, tác giả chính của nghiên cứu phát biểu.

 

“Nó cũng cho thấy điều quan trong đối với các bậc phụ huynh người Trung Quốc – những người thường ít thể hiện tình cảm cảm và ít khen ngợi – cần thể hiện tình yêu và sự động viên đối với con cái.”

 

Nhóm nghiên cứu đã xem xét số liệu từ một khảo sát trên giới trẻ tiến hành ở Hàng Châu, Trung Quốc, bao gồm 589 học sinh phổ thông cơ sở và trung học. Cuộc khảo sát hỏi những học sinh này về cảm giác đối với những hành động của cha mẹ với các em, cũng như về sức khỏe cảm xúc của bản thân các em, bao gồm sự tự tôn, sự điều chỉnh theo môi trường trường học, trầm cảm, vấn đề hành vi. Tương tự như nghiên cứu của trường Queen, Wang thấy rằng trẻ có thể điều chỉnh tốt với công việc ở trường, nhưng cái giá phải trả là sự phát triển các triệu chứng trầm cảm và rối loạn hành vi.

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy cần có sự cân bằng giữa việc thúc đẩy trẻ đi tới thành công và cho trẻ thấy tình yêu thương – điều này không chỉ đúng với trẻ em châu Á mà còn đúng với mọi trẻ em khác.

Một nghiên cứu khác hồi đầu năm nay cũng thấy rằng những trẻ em Trung Quốc không thể thành công thường gặp kết cục là tự cách ly khỏi cộng đồng. Những trẻ này không chỉ cảm thấy thất bại, mà các em còn tự coi mình “ít” Trung Quốc hơn – giống như “con cừu đen trong đàn cừu trắng””.

 

 “Tôi nghe rất nhiều bậc phụ huynh châu Á nói rằng họ ngại khen ngợi con cái quá nhiều vì họ không được nuôi dưỡng theo cách như vậy,” Wang nói. “Theo một cách nào đó, tôi đã bỏ qua sự khen ngợi và động viên của cha mẹ. Và theo một cách khác, tôi không muốn cả một thế hệ trẻ em châu Á cũng không được nhận phần thưởng quan trọng này.”

 

Cẩm Tú

Theo Medical Daily