1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Coi chừng rước bệnh vào thân khi dùng trái kiểng

Mục đích là để cây đẹp, trái kiểng ra nhiều và đúng lúc nên người trồng muốn dùng phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất...

Trong ba ngày Tết, nhiều gia đình thích làm đẹp nhà cửa bằng những chậu trái kiểng như tắc, thanh long, bưởi, cam, ổi, ớt, cà chua…Những loại trái kiểng này có giá từ vài chục ngàn đồng đến cả triệu đồng.

Đáp ứng nhu cầu của người mua, các nhà vườn đưa ra thị trường những chậu trái cây kiểng to, đẹp, chín vàng. Chưa hết, nhiều cây được tạo hình rất đẹp và làm nổi bật những chùm trái kiểng bắt mắt.

Ông Thành (bán trái kiểng trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết mỗi dịp Tết bán khoảng 100 chậu vừa tắc vừa cam kiểng.

“Do là trái kiểng, không dùng để ăn nên tôi sử dụng thuốc trừ sâu trôi nổi giá rẻ. Tôi cũng luôn phun thuốc tăng trưởng để cây và trái mau lớn. Chưa hết, tôi còn phun hóa chất để trái tươi lâu và không bị rụng khi di chuyển” – ông Thành cho biết thêm.

Coi chừng rước bệnh vào thân khi dùng trái kiểng - 1

Tương tự, bà Mai (bán bưởi kiểng trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng muốn trái bưởi to, da xanh và tươi lâu buộc phải phun hóa chất loại rẻ tiền, không nhãn mác.

“Do bưởi kiểng chỉ dùng trang trí nhà cửa trong ba ngày Tết nên tôi dùng đủ loại thuốc trừ sâu và hóa chất trôi nổi. Do những thứ thuốc này rất độc hại nên tôi khuyên người mua không được ăn trái” – bà Mai nói thêm.

Coi chừng rước bệnh vào thân khi dùng trái kiểng - 2

Vừa lựa chậu tắc kiểng, bà Hương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết bà rất thích trang trí những chậu tắc kiểng, ớt kiểng trong nhà vào dịp tết Nguyên đán.

“Trái kiểng to, đẹp nhưng nhiều nước, mùi vị lại không ngon do người trồng sử dụng hóa chất độc hại tùy tiện. Trái cây kiểng ăn vô dễ bệnh nên sau tết tôi hái bỏ vào bịch mang bỏ” – bà Hương nói.

Coi chừng rước bệnh vào thân khi dùng trái kiểng - 3

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm thuộc Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết do là trái kiểng nên người trồng không quan tâm đến sự an toàn.

“Mục đích là để cây đẹp, trái kiểng ra nhiều và đúng lúc nên người trồng muốn dùng phân bón, thuốc trừ sâu và hóa chất gì thì dùng” – ông Thịnh cho biết thêm.

“Tuy nhiên thuốc diệt sâu bệnh, hóa chất kích thích và sinh trưởng độc hại vẫn còn bám trên lá và vỏ nên dễ có nguy cơ gây ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Hóa chất độc hại còn gây nhiều bệnh cho người” – ông Thịnh lưu ý.

Trong khi đó, TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM, cho biết độc chất trong thuốc tăng trưởng sẽ tác động tế bào trong cơ thể người khiến tế bào phát triển nhanh hơn và dễ có nguy cơ gây ung thư. Bên cạnh đó, thuốc tăng trưởng còn gây rối loạn sinh lý.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm