1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Có thể tái nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn?

(Dân trí) - Chồng chị gái tôi bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn đợt tháng 6 vừa rồi, phải nằm điều trị ở bệnh viện Nhiệt đới TƯ gần 2 tuần vì bị hoại tử các ban trên da, rồi nhiễm trùng huyết. Tưởng bị một lần thì sợ đến già, vậy mà...

...mấy hôm trở lại đây, anh ấy lại thản nhiên ăn tiết canh vì cho rằng đã bị bệnh một lần rồi thì sẽ không bị lại nữa. Xin bác sĩ cho biết có đúng vậy không, và bệnh này có thể lây từ người sang người không? (Liên Hương, Bắc Giang).

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới TƯ trả lời):

Vi khuẩn liên cầu bình thường lây từ lợn sang người qua đường tiêu hóa, do ăn phải thịt lợn, nem chạo, tiết canh chưa được nấu chín, khiến “nạp” vào cơ thể một lượng vi khuẩn liên cầu nhất định vẫn còn sống và gây bệnh cho con người. Ngoài ra, vi khuẩn liên cầu lợn cũng lây cho con người qua đường tiếp xúc, khi giết mổ, chế biến thịt lợn (vì chân tay có thể có những xước xát không phát hiện và vi khuẩn liên cầu lợn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết tổn thương này).

Khi vào cơ thể người, vi khuẩn lợn có thể gây bệnh cảnh trầm trọng cho người bệnh. Người bệnh có thể bị viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, hoặc bị thể nhiễm trùng huyết, hoặc bị cả hai loại bệnh trên cùng lúc. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong là rất lớn.
 
Có thể tái nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn? - 1
Một người hoàn toàn có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn nhiều lần vì nó không
để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể. Ảnh: H.Hải 

Điều nguy hiểm là rất nhiều người đang có sự nhầm tưởng như anh rể của bạn, cứ nghĩ đã bị liên cầu khuẩn lợn một lần thì không mắc lại nữa. Thực tế không phải vậy. Ở người đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau, với biểu hiện bệnh y như lần đầu hoặc ở các thể bệnh còn lại. Vì bệnh do liên cầu khuẩn lợn giống như một trường hợp nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể. Nếu vi khuẩn lại có cơ hội xâm nhập cơ thể, nó lại gây bệnh như bình thường. Vì thế, một người hoàn toàn có thể mắc vài lần căn bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn nếu vẫn có những nguy cơ như tiếp xúc, chế biến thịt lợn không an toàn, ăn đồ ăn, sản phẩm chưa nấu chín từ con lợn nhiễm vi khuẩn này.

Đến nay, mới xác định căn bệnh này lây từ lợn sang người qua đường tiêu hóa và tiếp xúc, còn chưa ghi nhận ca bệnh nào lây từ người sang người, và cũng chưa xác định có cơ chế lây lan này. Vì thế, nguồn lây duy nhất vẫn được xác định là từ lợn nhiễm liên cầu khuẩn. Chỉ cần có ý thức nấu chín đồ ăn, không ăn tiết canh, nem chạo, tiếp xúc, giết mổ, chế biến thịt lợn an toàn là có thể phòng nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.

Hồng Hải (ghi)