Có thể quản lý đột quỵ trên bệnh nhân rung nhĩ?

Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ. Vì vậy, phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ giữ vai trò vô cùng quan trọng.

Có thể quản lý đột quỵ trên bệnh nhân rung nhĩ? - 1

Hội thảo có sự tham gia của các bác sĩ đầu ngành trong nước và quốc tế

Giảm 70% nguy cơ đột quỵ nếu tuân thủ điều trị

Thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy hàng năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ. Trong đó, có khoảng 5 triệu người bị tàn phế suốt đời và hơn 5 triệu người tử vong, chiếm 10% số ca tử vong toàn cầu. Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là nguyên nhân gây chết người đứng hàng thứ ba.

Theo TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ Tp.HCM, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người bị đột quỵ. Trong số đó, đột quỵ do nguyên nhân rung nhĩ chiếm tỷ lệ khoảng 10%, tuy vậy, kết cục xấu do đột quỵ do nguyên nhân rung nhĩ cao hơn đáng kể so với các nguyên nhân khác, với hơn 70% các trường hợp có kết cục tử vong hoặc tàn phế nặng, với các di chứng như liệt, rối loạn ngôn ngữ… Điều này đã và đang gây ra gánh nặng rất lớn cho bản thân bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Ngược lại, việc phòng ngừa đột quỵ liên quan đến rung nhĩ lại rất hiệu quả, có thể làm giảm đến 70% nguy cơ đột quỵ nếu như bệnh nhân tuân thủ điều trị.

TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ Tp.HCM
TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ Tp.HCM

“Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất. Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với người không mắc rung nhĩ. Vì vậy, phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ giữ vai trò vô cùng quan trọng,” PGS.TS.BS. Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc chuyên môn bệnh viện Tim Tâm Đức, chủ tọa hội thảo tại Tp.HCM cho biết.

Cập nhật hướng dẫn điều trị mới nhất

“Cập nhật hướng dẫn điều trị mới nhất của Hội nghị Tim mạch châu Âu (ESC) năm 2016 khuyến cáo thuốc kháng đông đường uống mới ức chế trực tiếp yếu tố Xa hoặc yếu tố thrombin được xem là liệu pháp chuẩn mới để phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim,” PGS.TS.BS. Phạm Nguyễn Vinh cho biết tại hội thảo chuyên đề phòng ngừa đột quỵ do VPĐD Bayer (South East Asia) Pte Ltd tại Tp.Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Đột quỵ Tp.HCM tổ chức tại TP. HCM ngày 06/5 vừa qua. Trước đó, hội thảo cùng chủ đề diễn ra tại Hà Nội do Bayer phối hợp với Hội Tim mạch Hà Nội tổ chức.

Theo kết quả nghiên cứu pha III ROCKET chứng minh, thuốc kháng đông đường uống mới loại ức chế trực tiếp yếu tố Xa so với liệu pháp kháng vitamin K, cho thấy hiệu quả phòng ngừa đột quỵ và thuyên tắc mạch hệ thống ít nhất tương đương và giảm đáng kể tỉ lệ xuất huyết nặng đe dọa tính mạng, đặc biệt trên nhóm bệnh nhân rung nhĩ không do van tim có nguy cơ cao như: từng bị đột quỵ, suy thận…

Một số nghiên cứu trong thực tế điều trị như REVISIT-US, XANAP mới được công bố trong năm 2016 tiếp tục khẳng định tính lợi ích vượt trội nguy cơ của các thuốc kháng đông đường uống mới so với liệu pháp kháng vitamin K trong thực tế điều trị cho bệnh nhân tại nhiều quốc gia trên thế giới.

“Các nghiên cứu như REVISIT-US, XANAP có giá trị vì cung cấp thêm bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của thuốc kháng đông đường uống loại ức chế trực tiếp yếu tố Xa,” PGS.TS.BS. Nguyễn Quang Tuấn, Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tọa hội thảo tại Hà Nội dánh giá.

Toàn cảnh Hội Thảo Chuyên Đề về phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim được tổ chức ở TPHCM
Toàn cảnh Hội Thảo Chuyên Đề về phòng ngừa đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim được tổ chức ở TPHCM

“Dự kiến tại châu Á Thái Bình Dương sẽ có khoảng 31 triệu bệnh nhân bị rung nhĩ vào năm 2040, đưa đến một nhu cầu cấp thiết về chăm sóc y tế. Tại Bayer chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để góp phần đem đến cho bệnh nhân tại Việt Nam, đặc biệt trong phòng ngừa đột quỵ và quản lý các bệnh lý tim mạch” bác sĩ Lynette Moey, Giám đốc Nhánh Dược phẩm của Bayer tại Việt Nam cho biết.

Phương Nguyên