Có thể ngộ độc cấp tính vì thổi bóng bằng tuýp keo đồ chơi

Nhiều trẻ nhỏ rất thích thú với trò chơi thổi bong bóng từ lọ keo đồ chơi nhưng theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì chúng ẩn chứa nhiều hiểm họa cho sức khỏe.

Có thể ngộ độc cấp tính vì thổi bóng bằng tuýp keo đồ chơi - 1

Trò chơi thú vị nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Tuýp keo Trung Quốc in thủ công

 

Trò chơi của trẻ nhỏ này giờ đây còn hấp dẫn cả các "anh chị" học cấp 2, cấp 3 do những quả bóng thổi được ngày càng to, càng đẹp và dai hơn. Dung dịch để thổi bóng được thay thế bằng một loại chất dẻo đựng trong tuýp. Chỉ cần lấy một ít chất dẻo vào đầu ống thổi, trẻ sẽ dễ dàng thổi được những quả bóng trong suốt, lấp lánh màu sắc, với những kích cỡ to nhỏ theo ý muốn.

 

Điều đặc biệt là những quả bóng này không dễ vỡ như bong bóng thổi bằng dung dịch. Chúng rất dai và thậm chí sau khi thổi xong, trẻ chỉ cần lấy tay ép hoặc vê vào cuống bóng là bóng tự giữ được hơi.

 

Những tuýp keo thổi bóng này có  thể tìm mua ở bất cứ hàng tạp hóa nào gần trường học hoặc các khu dân cư, với giá chỉ 1.000đ/tuýp. Trên bao bì sản phẩm cũng chỉ có chữ Hoang Quan, Tung Tien, hoặc vài chữ Trung Quốc in thủ công, ngoài ra không có bất cứ thông tin nào về thành phần, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.

 

Mặc dù loại keo này có mùi hôi nồng, rất khó chịu nhưng các em nhỏ chẳng vì thế mà từ bỏ thú chơi ưa thích này. Thậm chí có những em "nghiền" thổi bong bóng vì có thể vừa chơi, thi nhau xem ai thổi to hơn, hoặc vừa đập vào bạn để trêu đùa. 

 

Dung môi độc hại

 

PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện hóa học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, cho biết, các đồ chơi thổi bong bóng bằng dung dịch chủ yếu sử dụng các chất hoạt động bề mặt, sức căng bề mặt càng lớn quả bóng sẽ càng to, càng dai. Để làm tăng tính dai của những quả bóng này, nhà sản xuất có thể cho thêm một số chất, chủ yếu là glycerin, với tỷ lệ đậm đặc tùy độ dai mong muốn.

 

Dung dịch này có mùi khó chịu có thể là do người ta đã sử dụng các chất tạo axit béo lấy từ những nguồn nguyên liệu có sẵn mùi hắc nhưng trong quá trình sản xuất đã không khử được hết mùi này.

 

Tuy nhiên, PSG.TS Phạm Gia Điền cho rằng, các hóa chất sử dụng trong dung dịch thổi bong bóng cũng không quá độc hại như trong các loại keo thổi bóng.

 

Bong bóng thổi từ các tuýp keo này không phải là những quả “bóng nước” như thổi từ dung dịch nước mà chúng được thổi ra từ các chất tạo màng dai. Những chất này có thể là polyme hoặc có thành phần nhựa, nhưng để thổi được thành bóng cần có thêm dung môi hòa tan.

 

Các chất dẫn xuất có thể được dùng như aceton, butanol, izoamyl ancol, butyloeetat... thường là các chất bay hơi, hàm lượng lớn xâm nhập vào cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính. Nồng độ cho phép của các chất này trong không khí cũng là rất thấp.

 

Các bong bóng thổi bằng chất keo dính thực chất là các màng dai, giống như ở kẹo cao su, nên không thể khúc xạ ánh sáng mặt trời để tạo nên màu sắc.

 

Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, muốn tạo màu sắc cho các quả bóng này, nhà sản xuất nhất thiết phải thêm vào các chất tạo màu; Có thể là phẩm màu được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ chơi, đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với cơ thể qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, nhưng cũng có thể để hạ giá thành sản phẩm nhiều người cũng không ngại sử dụng các chất tạo màu công nghiệp rất độc hại đối với cơ thể.

 

Hơn nữa, các quả bóng bằng màng dai này khi thổi to quá mức nếu bị nổ vỡ, nguy cơ bắn vào mắt, sẽ gây nguy hiểm rất lớn.

 

Theo Lê Na

Bee