Có thể giải độc chất VX sử dụng trong vụ ông Kim Jong Nam?

(Dân trí) - Ngày 24/02, AFP dẫn nguồn tin từ cảnh sát Malaysia cho biết đội pháp y phát hiện chất độc thần kinh VX trong thi thể ông Kim Jong Nam. Vậy có thể giải được chất độc này

Có thể giải độc chất VX sử dụng trong vụ ông Kim Jong Nam? - 1

Định danh chất độc VX

VX có công thức hóa học là O-ethyl S [2- (diisopropylamino) ethyl] methylphosphonothioate), là một dạng phospho hữu cơ không mùi vị có màu hổ phách và rất độc. VX gây tổn thương hệ thống thần kinh, liều chết qua tiếp xúc da la 10 mg, và liều gây chết trung bình đường thở là 30-50 mg/ min / m3.

VX được nhà hóa học Ranajit Ghosh, phòng thí nghiệm Bảo vệ thực vật, British Imperial Chemical Industries (ICI), phát hiện vào thập niên 50 của thế kỷ trước, và được nghiên cứu để làm thuốc trừ sâu với thương hiệu Amiton; nhưng sau đó bị thu hồi vì đã quá độc và không an toàn khi sử dụng.

Vì là một chất độc thần kinh (neurotoxin) mạnh, VX là một vũ khí hóa học nguy hiểm. Theo Nghị quyết 687 của Liên Hợp Quốc, VX được liệt vào vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), nên cấm sử dụng. Chỉ sản xuất và tàng trữ các VX quá 100 gram mỗi năm là phạm pháp theo Công ước vũ khí hóa học của năm 1993.

VX gây độc thế nào

Bình thường, một tế bào thần kinh vận động sẽ truyền kích thích đến cơ qua bản tiếp hợp thần kinh-cơ (neuro-muscular synapse), tại đây sẽ giải phóng acetylcholine để kích thích các tế bào cơ bắp co lại. Acetylcholine sau đó được enzyme acetylcholinesterase thủy phân nhỏ ra thành hai sản phẩm bất hoạt là axit axetic và choline.

Có thể giải độc chất VX sử dụng trong vụ ông Kim Jong Nam? - 2

Cũng như các chất trừ sâu phospho hữu cơ khác, chất độc VX là một chất ức chế enzyme acetylcholinesterase. Khi enzyme này bị ức chế sẽ dẫn đến sự tích tụ của acetylcholin trong các bản tiếp hợp synapse, cơ bị kích thích gây co liên tục, không thể kiểm soát. Hậu quả là có sự co thắt dữ dội ban đầu, tiếp theo là sự kéo dài khử cực làm phong tỏa thần kinh cơ cuối cùng dẫn đến liệt mềm toàn bộ cơ bắp trong cơ thể, đặc biệt là liệt cơ hoành gây ra cái chết ngạt đau đớn.

Điều trị nhiễm độc VX

Cũng như các loại phospho hữu cơ khác, nhiễm độc VX cũng phải được xử trí cấp cứu, theo các bước sau

1. Loại bỏ chất độc

Lập tức đưa bênh nhân ra khỏi vùng ngộ độc, đặc bệnh nhân vào khu vực thoáng mát, tăng thông khí phổi để loại bỏ thuốc qua đường hô hấp.

Tẩy sạch thuốc khỏi da và niêm mạc, cởi bỏ quần áo dính thuốc, lau sạch thuốc ở da, rửa da thật sạch bằng xà phòng, hay tốt nhất là nước có pha bằng sô đa hay clo (hypochloride).

Súc rửa dạ dày nếu nghi ngờ chất độc vào đường tiêu hóa. Trước khi súc rửa dạ dày phải tiêm atropine trước với liều thích hợp với độ trầm trọng. Dùng nước pha bicarbonate, lượng nước súc nhiều có thể đến vài chục lít nước.

2. Dùng thuốc giải độc

* Atropine liều cao dùng sớm

Atropine là thuốc ức chế đối giao cảm hiệu quả nhất trong trúng độc gốc photpho hữu cơ. Thường được dùng đường tĩnh mạch liều cao cho đến khi có tình trạng “no atropine”: mặt đỏ, đồng tử dãn to, mạch rất nhanh, sau đó dung liều duy trì.

* Pralidoxime (Pyridine 2-Aldoxine Methiodide, PAM)

Pralidoxime là chất đối kháng (antidote) đặc hiệu với phosphor hữu cơ, nó sẽ kết hợp với phospho hữu cơ và giải phóng enzyme cholinesterase tái hoạt động. Thuốc pralidoxime phải được dùng sớm thì hiệu quả mới cao.

3. Hỗ trợ hô hấp

Khai thông đường hô hấp: hút đờm giải khí có dấu suy hô hấp dù nhẹ, nếu ít đáp ứng điều trị thì nên đặt ống nội khí quản.

Thở oxy: khi có suy hô hấp cung lượng cao 8-10L/phút hay 3-4L/phút tùy theo độ trầm trọng (nếu có suy hô hấp mạn thì thở oxy cung lượng thấp 1-3L/phút.)

Hô hấp nhân tạo: là phương tiện điều trị cần thiết trong những trường hợp nặng, đáp ứng không hoàn toàn với điều trị, suy hô hấp cấp. Hô hấp nhân tạo cần được kéo dài rất lâu có thể 2-3 tuần. Do đó cần phải có máy thở mới đảm bảo hô hấp nhân tạo tốt và kéo dài, cần khai thông khí quản và cho thở máy đúng lúc và kịp thời.

4. Các biện pháp hỗ trợ khác

Chống sốc: truyền bù dịch đủ và cho thuốc vận mạch, nâng huyết áp như dopamine và dobutamine.

Chống co giật: bất an, lo lắng, có thể dùng thuốc chống động kinh như diphénylhydantoine, các thuốc an thần nhẹ, tránh làm liệt các cơ quan thần kinh sinh thực.

Phòng bội nhiễm: nhất là ở phổi bằng các kháng sinh có hoạt phổ rộng.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM