Có thể chích ngừa cho con trễ hơn nếu mẹ không viêm gan!

Sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau chích ngừa viêm gan siêu vi B đã làm nảy sinh việc tranh cãi giữa việc chích hay không chích ngừa cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh. Dưới đây là đã trao đổi với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm, BV Nhi Đồng 1 TPHCM về vấn đề này.

 

Có thể chích ngừa cho con trễ hơn nếu mẹ không viêm gan!


 

Bác sĩ Khanh chia sẻ: “Mỗi quốc gia khi quyết định đưa loại vắcxin nào vào chương trình tiêm chủng mở rộng và thời điểm chích đều phải dựa vào yếu tố kinh tế và dịch tễ của quốc gia đó, vì thế không thể so sánh nước này và nước kia. Mặc khác tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra những hướng dẫn chung cho quốc gia giàu, quốc gia nghèo cần phải làm gì từ đó quốc gia có chọn lựa riêng cho mình. Chẳng hạn tại Mỹ có bao giờ chích ngừa lao đâu, nhưng các nước có số người mắc lao nhiều thì phải chích ngừa bệnh này. Ngược lại, Mỹ và những quốc gia châu Âu giàu đưa tất cả các loại vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng Việt Nam thì không làm được như thế vì điều kiện kinh tế chúng ta không cho phép.

 

Về sự cố các bé tử vong sau chích vắcxin ngừa viêm gan siêu vi B, có hai luồng ý kiến khác nhau, nên và không nên chích 24 giờ sau sanh cho trẻ. Quan điểm của ông như thế nào?

 

Chích ngừa vắc xin viêm gan siêu vi B trong 24 giờ đầu nhằm đạt mục tiêu lớn nhất của tiêm chủng mở rộng là làm cho cộng đồng dân số được bảo vệ mạnh mẽ trước bệnh viêm gan, nghĩa là giảm số người mắc viêm gan xuống dưới 2%. Hiện nay cộng đồng nước ta được xếp vào cộng đồng yếu vì số người mắc viêm gan từ 10 - 16%.

 

Muốn làm chuyện này, ngoài việc tuyên truyền cho người lớn đi chích ngừa viêm gan siêu vi B, còn phải bảo vệ cho trẻ sơ sinh khỏi bị viêm gan bằng cách chích ngừa cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh.

 

Cần nhớ rằng, mẹ lây bệnh viêm gan siêu vi B cho con chỉ 10% lây từ trong bào thai, 90% còn lại là lây trong một năm đầu tiên, và đặc biệt là có thể lây từ sữa mẹ. Vì điều này người ta mới tính đến chuyện chích ngừa cho trẻ sơ sinh càng sớm càng tốt.

 

Có ý kiến cho rằng nên tầm soát các bà mẹ mang thai, những ai bị viêm gan siêu vi thì mới chích cho trẻ, những trẻ còn lại nên dời lịch chích để trẻ cứng cáp rồi mới chích. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

 

“Việc chích ngừa viêm gan siêu vi B 24 giờ sau sinh là áp dụng cho cả cộng đồng, còn bà mẹ mang thai nào có điều kiện xét nghiệm thì có thể chọn giải pháp chích ngừa con mình trễ hơn nếu bản thân mẹ không bị viêm gan”.

 

Làm được như thế thì hay, nhưng trong hoàn cảnh nước mình không khả thi vì không thể vận động được mọi bà mẹ mang thai làm xét nghiệm, bởi như thế họ phải trả tiền, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa lại càng không thể thực hiện được.

 

Xin nhắc lại, phong trào chích ngừa ở đâu cũng phải nghĩ đến lợi ích của số đông. Không ai cấm một cá nhân chọn lựa giải pháp riêng cho mình, ở Việt Nam gọi là chích ngừa dịch vụ. Những quốc gia không đủ tiền làm tầm soát cho mọi bà mẹ thì phải đưa ra hai chọn lựa: tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ để bao phủ tốt nhất cho cộng đồng.

 

Việc chích ngừa viêm gan siêu vi B 24 giờ sau sinh là áp dụng cho cả cộng đồng, còn bà mẹ mang thai nào có điều kiện xét nghiệm thì có thể chọn giải pháp chích ngừa con mình trễ hơn nếu bản thân mẹ không bị viêm gan. Trong thực tế, nhìn bên ngoài không biết bà mẹ nào bị viêm gan B hay không, vì thế phải tính đến chuyện bảo vệ 10 - 16% em bé có thể bị viêm gan bằng cách chích ngừa đại trà cho trẻ 24 giờ sau sinh.

 

Nhiều năm làm bác sĩ nhi nhiễm, ông có trải nghiệm nào về chuyện trẻ chích ngừa không?

 

Có, tôi nghĩ chỉ những bác sĩ nhi nhiễm mới cảm nhận sâu sắc chuyện những đứa bé mắc ho gà, bạch hầu, viêm gan siêu vi mà không được bảo vệ bằng vắc xin bởi bệnh cảnh và hậu quả của những bệnh này cho trẻ thật nặng nề.

 

Nên biết rằng, 90% trẻ mắc viêm gan siêu vi nếu sống trong năm đầu tiên chắc chắn sẽ chuyển sang viêm gan mạn, trong khi tỷ lệ này ở người lớn chỉ là 5%. Khác biệt ở đây là do đáp ứng của trẻ với viêm gan rất yếu và việc dùng thuốc chữa trị cho trẻ cũng khó bởi các loại thuốc chữa viêm gan đều được điều chế cho người lớn. Tôi từng gặp những trẻ mắc viêm gan siêu vi, chúng rất dễ bị hôn mê gan, còn nếu sống thì tiên lượng rất xấu, dễ bị xơ gan, ung thư gan.

 

Thưa ông, cũng liên quan đến sự cố sau tiêm ngừa, có ý kiến thắc mắc tại sao nước ta không sử dụng vắcxin vô bào thay cho vắc xin tế bào để an toàn hơn cho trẻ.

 

Như trên tôi đã nói, việc chọn lựa vắc xin tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của quốc gia. Những nước giàu họ sử dụng vắc xin vô bào, còn nước mình nghèo thì phải sử dụng vắc xin tế bào. Không phải vì chính phủ ta hay chính phủ Thái Lan, Ấn Độ không thương dân, nhưng nếu dựa trên bối cảnh kinh tế chung và bản chất của tiêm chủng mở rộng là phục vụ cho số đông người thì chúng ta phải chấp nhận. Dĩ nhiên, đối với người có điều kiện kinh tế, họ có thể bỏ tiền túi để chọn lựa một loại vắcxin dịch vụ có chất lượng hơn cho trẻ.

 

Theo Phan Sơn

Thực hiện