Có nên cho trẻ uống nước lô hội?

Nhiều nhà sử dụng lá lô hội để chế thành nước giải khát, các món ăn để giải nhiệt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về Đông y, đây là một vị thuốc có công dụng tẩy mạnh, cần lưu ý khi sử dụng và không nên tự ý dùng cho trẻ em.

Có nên cho trẻ uống nước lô hội?  - 1


Cây lô hội (còn có tên là cây nha đam, lưỡi hổ, long tu...) là một loại thực vật có lá dài và nhiều mấu, có lớp vỏ dày và trong lá chứa một chất trong suốt. Loại được dùng phổ biến nhất là Aloe vera. Nó được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm, bao gồm mỹ phẩm, kem dưỡng và giữ ẩm cho da, kem chữa bỏng và cả kem chống nắng.

 

Theo "Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam" của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, hoạt chất chủ yếu trong lá lô hội là chất aloin, chiếm tới 16 - 20%, vị đắng và có tác dụng tẩy. Lô hội là một vị thuốc được dùng cả trong Đông và Tây y. Với liều nhỏ (0,05g - 0,1g) lô hội là một vị thuốc bổ, giúp sự tiêu hoá vì nó kích thích nhẹ niêm mạc ruột và không để cặn bã ở lâu trong ruột. Ở liều cao có tác dụng như một vị thuốc tẩy mạnh, nhưng tác dụng chậm, gây sung huyết ở các cơ quan bụng, nhất là ở ruột già. Tuỳ theo liều dùng, có thể gây độ tẩy cần thiết.

 

Dịch ép từ lá lô hội giúp làm ẩm và mềm da, làm mau lành vết thương trên da, chữa các chứng táo bón, tiêu chảy, giảm ngứa và sưng tấy vết thương trên da, diệt nấm và vi khuẩn, tăng hiệu quả của các sản phẩm chống nắng. Tuy nhiên, vì có tính gây sung huyết nên lô hội được khuyến cáo không dùng được cho trẻ em, phụ nữ có thai, người bị lòi dom.

Trong gia đình, cách chế biến đơn giản nhất là lột bỏ lớp vỏ xanh, ngâm nước muối rồi lấy phần thạch trong suốt, ướp đường và bảo quản trong tủ lạnh hoặc dùng để nấu chè. Nước lô hội mát, được xử lý hết vị đắng sẽ dễ uống nên được nhiều người ưa thích.

 

Tuy nhiên, theo lương y Vũ Quốc Trung, lô hội tính tẩy mạnh nên những người hư hàn không nên sử dụng. Những người tiêu hoá kém cũng không nên dùng. Nếu dùng liều quá cao (8g) có thể gây ngộ độc chết người với các triệu chứng phân nhiều, toàn thân yếu, mạch chậm, thân nhiệt hạ.

 

Theo Khoa học & Đời sống