Có nên cắt polyp đại tràng để ngừa ung thư?

(Dân trí) - Polyp không phải là ung thư nhưng chúng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.

GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Đại học Y cho biết, polyp đại trực tràng bệnh lý tương đối phổ biến. Điều đáng mừng là phần lớn chúng thường không gây hại. Tuy nhiên, có một số loại polyp có khả năng phát triển thành ung thư nếu không được phát hiện kịp thời. 

Có nên cắt polyp đại tràng để ngừa ung thư? - 1

Bản chất của polyp đại tràng không phải u, mà là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới lớp niêm mạc tăng sinh tạo thành.

Vì thế, khi nội soi phát hiện polyp đại trực tràng bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ polyp để loại trừ nguy cơ polyp rơi vào nhóm có thể tiến triển thành ung thư.

"Tuy nhiên, khả năng polyp tiếp tục mọc lại kể từ lần cắt đầu tiên là 30%. Do đó, người bệnh cần lưu ý tái khám theo định kỳ". GS Long khuyến cáo.

Đặc biệt, việc tái khám định kỳ bằng nội soi cũng là phương pháp quan trọng để phát hiện nguy cơ tiến triển ung thư.

Ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất. Nó chỉ đứng sau ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Ở phụ nữ, tỉ lệ mắc ung thư trực tràng chỉ đứng sau ung thư vú (theo Globalcan 20124).

Hầu hết các ca mắc ung thư đại trực tràng thường không có nguyên nhân rõ ràng, tuy nhiên những trường hợp sau có nguy cơ cao hơn ở những đối tượng sau: Ngoài 50 tuổi; Gia đình có tiền sử bị bệnh này; Có tiền sử polyp đại tràng; Đã từng mắc chứng viêm ruột; Có lối sống không lành mạnh.

Do đó, với những người có nguy cơ cao này, việc tái khám, nội soi đại trực tràng theo chỉ định của bác sĩ rất quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ ung thư, can thiệp kịp thời.