Có nên bổ sung nhiều đạm thực vật cho trẻ?

(Dân trí) - Con tôi vừa tròn 2 tuổi, bé cao 86cm, nặng 12kg nhưng bé bị táo bón rất nặng, có khi 3-4 ngày không đi ngoài một lần. Tôi nghe nói, nhiều loại thực vật nhất là trong các loại đậu đỗ cung cấp hàm lượng đạm cao, rất tốt cho cơ thể.

Vì vậy, tôi định giảm thịt, cá, tôm, cua…, tăng đạm thực vật lên cho bé đỡ táo bón. Liệu cách làm này có đảm bảo sự phát triển thể chất của con tôi không? (Nguyễn Thu Hương, thị trấn Hương Phố - Hương Khê - Hà Tĩnh)

PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, trả lời:

Nhiều loại thực vật có tỷ lệ đạm rất cao, nhất là trong đậu đỗ, vừng lạc. Hơn nữa, chất đạm từ thực vật lại kinh tế hơn nhiều so với đạm thực vật, nên nó có thể là sự lựa chọn tốt cho nhiều người. Tuy nhiên, tùy theo lứa tuổi mà nên sử dụng hàm lượng đạm từ thực vật như thế nào, vì giá trị sinh học của đạm trong đậu đỗ, vừng, lạc, ngũ cốc thấp hơn trong thịt, cá, trứng, tôm, cua... nên sự hấp thu cũng kém hơn.

Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đây đang là giai đoạn trẻ có nhu cầu protein động vật cao, lên tới 70% trong tổng lượng đạm, vì thế, nguồn đạm từ động vật phải được ưu tiên hàng đầu. Vì thế, với đạm thực vật từ đậu đỗ, vừng lạc trẻ chỉ nên ăn ít, cách quãng 4-5 ngày một bữa.

Còn với trẻ từ 5 tuổi trở lên, nhất là các bé gái, cha mẹ nên bắt đầu cho ăn thêm nhiều đậu nành vì thực phẩm này rất có giá trị phòng ung thư vú và ung thư cổ tử cung sau này. Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định, việc ăn thêm nhiều đậu nành giai đoạn đầu đời có hiệu quả phòng ung thư hơn rất nhiều so với giai đoạn sau, khi trưởng thành mới ăn nhiều đậu nành.

Bổ sung chất đạm động vật thì rất phong phú với nhiều loại thức ăn như thịt, cá, tôm, cua… Trong đó, chất đạm cá rất giàu dinh dưỡng. Trong cá, giá trị không chỉ chất là đạm dễ tiêu hơn trong thịt lợn, bò mà ý nghĩa là những axit béo không no có trong cá rất tốt cho sự phát triển trí não của trẻ, mà ở các thực phẩm khác không có được. Vì thế, nên cho trẻ ăn ít nhất 3 bữa cá một tuần sẽ rất tốt cho sức khoẻ của trẻ.

Con bạn với thể trạng như trên, là hơi thiếu một chút về chiều cao cũng như cân nặng so với tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) áp dụng cả cho trẻ Việt Nam. Vì vậy, trong chế độ ăn cần đảm bảo đủ lượng đạm theo khuyến cáo. Theo đó lượng thực phẩm trong ngày như đạm: phải ăn từ 120-150 thịt (từ một trong các loại thịt bò, cá, tôm, cua… hoặc có thể ăn phối hợp giữa các loại), rau xanh 200g… Ngoài ra cũng cần cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng để tăng hấp thụ vitaminD, chống còi xương.

Còn với tình trạng táo bón của con bạn, có thể do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó chủ yếu do chế độ ăn nên cần phải điều chỉnh. Ngoài ăn cháo, ăn nhiều rau xanh và hoa quả, nhất là các rau quả có tính nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền, củ khoai lang (phải băm nhỏ, ăn cả cái và nước), bạn cần lưu ý cho con uống đủ nước. Vì trẻ em thường bị bố mẹ “quên” cho uống nước xen kẽ giữa các bữa ăn mà chủ yếu chỉ uống tráng miệng sau ăn nên lượng nước không đủ nhu cầu.

Ngoài ra cha mẹ có thể xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn để kích thích làm tăng nhu động ruột…  cũng giúp giảm được tình trạng táo bón.

Hồng Hải (ghi)