Cố giữ "cậu nhỏ" mắc ung thư, người đàn ông nhiễm thêm uốn ván

(Dân trí) - Sau chẩn đoán mắc ung thư dương vật bác sĩ chỉ định cắt để điều trị nhưng người đàn ông vẫn cố giữ lại. Ổ nhiễm trùng từ thân dương vật bị lở loét đã trở thành “cửa ngõ” cho vi trùng xâm nhập khiến cơ thể ông 2 lần bị nhiễm uốn ván.

Ngày 24/3, khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực và Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đang điều trị cho một trường hợp bị nhiễm uốn ván. Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Đ. (49 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) được chẩn đoán mắc uốn ván trên nền bệnh ung thư.

Cố giữ cậu nhỏ mắc ung thư, người đàn ông nhiễm thêm uốn ván - 1

Chỉ vì sợ mất "của quý" ông Đ. đã 2 lần  nguy kịch tính mạng

Khai thác bệnh sử từ phía người nhà được biết, cuối năm 2018, ông Đ. bị viêm loét thân dương vật. Khi đi kiểm tra tại Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư dương vật nên chỉ định cắt dương vật để điều trị. Tuy nhiên, ông Đ. sợ mất “của quý” nên không tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Gần 3 tháng trước, bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, cứng hàm, co gồng toàn thân. Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có ổ loét nhiễm trùng, hoại tử trên thân dương vật. Sau các kết quả xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm uốn ván. Hơn 1 tháng điều trị tích cực, ông Đ. đã bình phục sức khỏe được chích ngừa uốn ván mũi 1 cho xuất viện. Bác sĩ đề nghị bệnh nhân chích nhắc uốn ván mũi 2, đồng thời tuân thủ chỉ định điều trị ung thư để tránh bị nhiễm trùng trên vùng dương vật bị lở loét.

Mặc dù được bác sĩ khuyến cáo và gia đình động viên nhưng ông Đ. nhất quyết không chịu cắt “của quý” và quả quyết “sinh ra thế nào thì chết đi phải còn nguyên như vậy”. Gần 2 tháng sau xuất viện, ngày 8/3 ông Đ. phải nhập viện cấp cứu vì tái nhiễm uốn ván qua ổ lở loét trên dương vật. Bác sĩ xác định bệnh nhân không tuân thủ chỉ định điều trị ung thư, không chích nhắc mũi 2 vắc xin ngừa uốn ván đã khiến vi trùng xâm nhập trở lại, gây nên tình trạng bệnh trầm trọng.

Hiện ông Đ. đang được điều trị tích cực bằng thở máy, kháng sinh mạnh nhưng tiên lượng khá dè dặt. Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần tăng cường chích ngừa uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ sau khi chào đời và chích nhắc mỗi 5 năm một lần để tránh nguy cơ mắc bệnh. Người có bệnh lý dễ gây thương tích, viêm loét như ung thư, tiểu đường cần tuân thủ chỉ định điều trị để tránh bị nhiễm trùng cơ hội, nguy hiểm thêm cho tính mạng.

Vân Sơn

 

 

 

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm