1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cô gái trẻ tan nát khuôn mặt sau tiêm filler làm đẹp

Vân Sơn

(Dân trí) - Phải chi số tiền 3,5 triệu đồng để tiêm chất làm đầy rãnh mũi và má nhưng sau mũi tiêm mặt cô gái trẻ bị sưng phù, rỉ mủ phải đến bệnh viện điều trị.

Bị hủy hoại nhan sắc sau khi làm đẹp

Chất làm đầy đang được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu thẩm mỹ. Nó giúp xóa các nếp nhăn vùng mặt, làm đầy vùng hõm má, thái dương, rãnh má sâu… Ngoài ra, chất làm đầy còn được sử dụng trong một số chỉ định tạo hình thẩm mỹ như nâng mũi, làm đầy cằm, đầy môi, tạo khuôn mặt V-line.

Tuy nhiên, tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật khó. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng chất làm đầy không rõ nguồn gốc và chất lượng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Cô gái trẻ tan nát khuôn mặt sau tiêm filler làm đẹp - 1

Mặt cô gái trẻ bị sưng đau môi và nhân trung bên trái sau đó mặt sưng phù vì tiêm filler

Ngày 2/10, khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da Liễu TP HCM cho biết, vừa tiếp nhận một trường hợp nhập viện vì tai biến do tiêm chất làm đầy (hay còn gọi là tiêm filler). Bệnh nhân L.N.L.K. (26 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) đến khám trong tình trạng mặt bên trái có mảng hồng ban, phù nề ở môi, rãnh mũi, má, bề mặt đóng mài vàng.

Khi thăm khám, bác sĩ phát hiện, bên trong niêm mạc miệng bệnh nhân có vết loét. Người bệnh không sốt nhưng đau nguyên vùng má cùng hàm bên trái và vách mũi khiến việc ăn uống khó khăn.

Khoảng 6 ngày trước nhập viện, bệnh nhân đã đến một viện thẩm mỹ tại Quận 1, TP HCM để làm đẹp. Tại đây cô gái trẻ được nhân viên tư vấn tiêm 1ml chất làm đầy với giá 3,5 triệu đồng cho 2 bên rãnh mũi, má giúp gương mặt hoàn mỹ hơn. Nghe theo lời nhân viên tư vấn bệnh nhân đồng ý chi tiền thực hiện kỹ thuật.   

Nữ bệnh nhân được nhân viên viện thẩm mỹ dùng kim để tiêm dung dịch vào hai bên rãnh mũi, má. Khi tiêm bên trái, bệnh nhân thấy đau nhói, cơn đau tiếp tục kéo dài. Thấy bệnh nhân kêu đau, nhân viên tại đây đã tiêm thuốc giải. Tuy nhiên, sau tiêm 2 ngày, người bệnh bị sưng đau môi và nhân trung bên trái tình trạng ngày càng nặng.

Cô gái trẻ tan nát khuôn mặt sau tiêm filler làm đẹp - 2
Bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân L.K. có hiện tượng tắc mạch do tiêm chất làm đầy không đúng kỹ thuật

Hoảng sợ, bệnh nhân quay lại viện thẩm mỹ thì được nhân viên hướng dẫn đến một phòng mạch tư để xử lý. Tuy nhiên, sau điều trị 1 ngày mặt bệnh nhân trở nên sưng phù, rỉ dịch mủ nhiều hơn.

Lúc này, bệnh nhân đến một bệnh viện quốc tế để cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Da Liễu. Ths.BS Lê Thảo Hiền, khoa Thẩm mỹ Da cho biết, mặt bên trái của bệnh nhân có triệu chứng viêm, phù nề và nhiễm trùng do biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy.

Nhiều rủi ro rình rập

Theo Thảo Hiền việc tiêm chất làm đầy có thể khiến người bệnh đối mặt với 3 rủi ro chính. Một là, chất làm đầy là hàng trôi nổi, không tinh khiết dẫn đến phản ứng của cơ thể đối với một chất lạ; hai là kỹ thuật tiêm không đúng đã làm chèn ép hoặc tắc mạch máu gây phù nề và nguy hiểm hơn là hoại tử da hoặc mù mắt; ba là cơ sở tiêm không đảm bảo nguyên tắc vô trùng trước, trong và sau khi tiêm chất làm đầy.

Như trường hợp bệnh nhân L.K ở trên có hiện tượng tắc mạch do tiêm không đúng kỹ thuật dẫn đến vùng da quanh miệng và nếp mũi, má tím tái, hoại tử, nhiễm trùng, vón màu vàng. Việc tiêm thuốc giải nếu thực hiện sai kỹ thuật sẽ càng làm tai biến trầm trọng hơn.

Bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh toàn thân, kháng viêm, giảm đau và chăm sóc vết thương hàng ngày, việc điều trị sẽ kéo dài khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, sau điều trị, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các di chứng sẹo lồi, rối loạn sắc tố da gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ của khuôn mặt.

Cô gái trẻ tan nát khuôn mặt sau tiêm filler làm đẹp - 3

Bác sĩ khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp nên đến các cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật thẩm mỹ

Không chỉ riêng trường hợp trên, mới đây khoa Thẩm mỹ Da cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tai biến do tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc vào vùng mông. Trường hợp tai biến nhẹ, vùng mông bị phát ban nhưng trường hợp nặng mông bị sưng to, xuất hiện lỗ rò và chảy dịch ra ngoài. Các bác sĩ phải phẫu thuật để lấy hết chất làm đầy ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngoài việc tốn kém chi phí can thiệp, điều trị, cơ thể bệnh nhân xuất hiện nhiều sẹo gây mất thẩm mỹ.

Để hạn chế tối đa những rủi ro từ tiêm chất làm đầy nói riêng và các phương pháp làm đẹp nói chung, bác sĩ khuyến cáo người có nhu cầu làm đẹp nên đến các cơ sở y tế hợp pháp, được phép triển khai kỹ thuật thẩm mỹ. Trước khi sử dụng kỹ thuật cần lựa chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, được kiểm chứng an toàn tuyệt đối, kiểm tra hạn sử dụng.

Ngoài ra, cộng đồng cần lưu ý, người thực hiện thủ thuật bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu hoặc phẫu thuật thẩm mỹ đã được đào tạo về kỹ thuật tiêm chất làm đầy. Sau khi tiêm chất làm đầy nếu có dấu hiệu bất thường như sưng, đau, rỉ dịch, mờ mắt, da tím tái… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ hỗ trợ kịp thời.