1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cô gái mới sinh con nguy kịch cần nhóm máu hiếm, 10.000 người mới có một

(Dân trí) - Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương vừa phát đi lời kêu gọi hiến tiểu cầu nhóm máu AB-. Tại nước ta, những người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) chỉ chiếm 0,1% dân số.

Bệnh nhân là chị D. T. K. Hòa (28 tuổi, ở Yên Dũng, Bắc Giang), có biểu hiện xuất huyết dưới da ngày càng nhiều, chảy máu chân răng, kinh nguyệt ra nhiều… Bệnh nhân mới sinh con được 8 tháng. 

Ngày 7/4, chị được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang chuyển đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Hà Nội) với chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.

Số lượng tiểu cầu từ khi nhập viện đến nay của bệnh nhân luôn ở mức rất thấp (< 10 G/L), trong khi số lượng tiểu cầu ở người bình thường trong giới hạn 150-450 G/L. Vì thế, bệnh nhân nên cần truyền tiểu cầu liên tục (bên cạnh việc điều trị kết hợp các loại thuốc).

Cô gái mới sinh con nguy kịch cần nhóm máu hiếm, 10.000 người mới có một - 1

Số lượng tiểu cầu của bệnh nhân vẫn duy trì ở mức rất thấp trong suốt những ngày nhập viện.

Bệnh nhân có nhóm máu hiếm AB Rh(D) âm (còn gọi tắt là AB-). Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm. Ước tính cứ 10.000 người mới có 1 người mang nhóm máu AB-.

Bệnh nhân không thể truyền thay thế các nhóm khác được. Nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng nhóm máu hiếm trong tháng 4, từ ngày 9/4 đến 29/4, bệnh nhân đã được truyền 9 đơn vị tiểu cầu.

Tuy nhiên, do số lượng tiểu cầu của bệnh nhân vẫn ở mức rất thấp, Viện Huyết học -Truyền máu Trung ương kêu gọi cộng đồng nhóm máu hiếm AB Rh(D) âm đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến tiểu cầu cho bệnh nhân Hòa trong những ngày tới (đặc biệt trong dịp nghỉ lễ). 

Địa điểm hiến tiểu cầu tại tầng 2, khoa Tiếp nhận máu, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội. Thời gian từ 8h đến 20h tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ).

Tiểu cầu là những mảnh tế bào rất nhỏ tham gia vào chức năng cầm máu; chế phẩm khối tiểu cầu lại có thời hạn bảo quản rất ngắn (3-5 ngày). Tiểu cầu là một trong những thành phần máu quan trọng tham gia quá trình đông cầm máu nhằm điều trị và dự phòng chảy máu nặng nề.

Điều kiện hiến tiểu cầu

- Người có cân nặng từ 50kg trở lên;

- Đã từng hiến máu tại các địa điểm do Viện tiếp nhận;

- Đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe: huyết áp, lượng huyết sắc tố, số lượng tiểu cầu… (được khám, xét nghiệm trước khi tham gia hiến tiểu cầu);

- Ven (tĩnh mạch) để lấy máu đủ to;

- Đã hiến máu trước đó 12 tuần hoặc đã hiến tiểu cầu trước đó 3 tuần;

- Có chứng minh thư/căn cước công dân hoặc giấy tờ tùy thân khác hợp lệ.

Trước ngày hiến tiểu cầu, người hiến nên ngủ đủ giấc, không thức khuya; nên ăn nhẹ (ít đạm, ít mỡ), không uống bia rượu. Sau khi hiến tiểu cầu, nên duy trì ăn uống, sinh hoạt bình thường. Hạn chế những hoạt động đòi hỏi nhiều thể lực như bóng đá, tập thể hình, leo trèo... 

Hệ nhóm máu ABO gồm 4 nhóm máu là A, B, O và AB với tỷ lệ phân bố trong cộng đồng khác nhau ở từng chủng tộc. Ở Việt Nam, tỷ lệ này là: nhóm O khoảng 45%, nhóm B khoảng 30%, nhóm A khoảng 20% và nhóm AB khoảng 5%.

Hệ Rh có 2 nhóm máu thường gặp là Rh(D) dương và Rh(D) âm, hay còn gọi là Rh(D)+ và Rh(D)-. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

Trong khi đó, ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15%-40% dân số.

Nam Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm