1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cô gái đưa 4 người đàn ông đi xét nghiệm ADN mới tìm ra cha đẻ của con

(Dân trí) - Cô gái trẻ lần lượt đưa 3 người đàn ông đến Trung tâm xét nghiệm ADN để tìm bố cho con nhưng kết quả đều không đúng. Đến người cô gái không ngờ nhất, sau khi chia tay người đàn ông đã đi nước ngoài lại là bố của em bé.

Gian nan tìm… bố cho con

Lần đầu tiên, cô gái trẻ đưa Trung tâm xét nghiệm ADN ở Hà Nội một người đàn ông trung niên để xác định bố cho con. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ADN cho thấy họ không có bất kỳ một quan hệ huyết thống nào.

Cô gái đưa 4 người đàn ông đi xét nghiệm ADN mới tìm ra cha đẻ của con - 1

Bất cứ mẫu xét nghiệm nào, từ mẫu tóc (có chân tóc), mẫu máu, niêm mạc miệng... đều có thể xét nghiệm ADN tìm huyết thống.

Lần lượt, thêm 2 người nữa được đưa tới, và theo nguyên tắc giữ bí mật, người đàn ông đi cùng vẫn chỉ là “duy nhất” được đưa đến.

Tới người đàn ông thứ 4, là người cô gái không ngờ nhất do họ đã chia tay khi người đàn ông đi nước ngoài lại được xác định là bố của con cô.

Theo Đại tá Hà Quốc Khanh, Nguyên Giám đốc Trung tâm giám định ADN – Viện Khoa học Hình sự, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, ngược với trước kia, ông chuyên làm ADN liên quan đến các vụ án, ngày nay trong xã hội phát triển, nhu cầu xét nghiệm ADN xác định huyết thống lại trở nên “nóng bỏng” và phổ biến nhất. Chỉ trong 10 năm, Trung tâm nơi ông làm cố vấn đã làm đến vài chục nghìn ca xét nghiệm ADN xác định huyết thống.

Trong quá trình xét nghiệm, không biết bao câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra. Chuyện cô gái đi tìm bố cho con cũng phản ánh một thực tế xã hội hiện đại ngày nay. Tương tự, các xét nghiệm ADN khẳng định huyết thống bố - con là phổ biến nhất.

Mới đây, người đàn ông 30 tuổi dẫn con trai 3 tuổi đến Trung tâm làm xét nghiệm ADN huyết thống cha - con. Mẫu được lấy, kết quả xét nghiệm khiến các chuyên gia cũng không ngờ.

“Dù khách hàng rất sốt ruột kết quả, nhưng chúng tôi đã phải lấy thêm mẫu để phân tích lại một lần nữa với 4 bộ kit khác nhau với số lượng locus gen lên tới trên 30 locus, trong đó có cả bộ kit phân tích nhiễm sắc thể Y rồi mới có thể trả lời khách hàng. Người cha của cậu con trai 3 tuổi được khẳng định bị vô sinh do mắc hội chứng di truyền hiếm gặp, đó là nam giới nhưng lại mang kiểu gen của nữ giới”, Đại tá Khanh nói.

Điều này có nghĩa, người đàn ông này thay vì có có 2 nhiễm sắc thể XY thì họ có 2 nhiễm sắc thể XX.  Hội chứng này vô cùng hiếm gặp trên thế giới, chiếm tỷ lệ khoảng 1/20000 ở trẻ sơ sinh nam. Nam giới có 2 nhiễm sắc thể X (nam 46, XX) sẽ không có khả năng sinh con.

“Hối lộ” cả tỷ đồng đổi mẫu xét nghiệm ADN

Đại tá Khanh cho biết,  tại Trung tâm xét nghiệm ADN, kỹ thuật viên lấy mẫu thường xuyên đối mặt với nguy cơ “bị hối lộ” khi đi lấy mẫu xét nghiệm ADN.

Cô gái đưa 4 người đàn ông đi xét nghiệm ADN mới tìm ra cha đẻ của con - 2

Đại tá Hà Quốc Khanh.

Trong cả quá trình lấy mẫu, chụp ảnh, lăn vân tay… đều phải đảm bảo thực hiện theo quy trình, với những cam kết nghiêm ngặt của nhân viên với Trung tâm về mặt pháp lý. Chỉ với những trường hợp xét nghiệm tự nguyện Trung tâm mới chấp nhận mẫu khách hàng cung cấp.

Vì thế, đã có những câu chuyện kỹ thuật viên lấy mẫu bị mua chuộc. Gặp nhiều nhất ở những xét nghiệm xác định huyết thống liên quan đến pháp lý nhằm được kế thừa tài sản, làm visa.

Khách hàng bí mật đề nghị đổi mẫu xét nghiệm, với số tiền mua chuộc các kỹ thuật viên từng gặp, nhỏ nhất 200 nghìn, số lớn nhất là 1 – 2 tỷ.

“Tuy nhiên, chúng tôi có quy trình, cam kết để điều này không bao giờ xảy ra”, ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc một Trung tâm xét nghiệm ADN tại Hà Nội cho biết.

Đại tá Hà Quốc Khanh cũng khẳng định, với những trường hợp khách hàng xét nghiệm ADN xác định huyết thống liên quan đến lợi ích về tiền bạc, thừa kế việc “đánh tráo” mẫu xét nghiệm càng không thể. Vì khách hàng dễ dàng kiểm chứng tại ở nhiều trung tâm khác nhau. Việc xét nghiệm ADN ra kết quả sai, chưa chính xác khiến khách hàng bi kịch hơn cả khi chưa đi xét nghiệm.

Vì thế, dù khách hàng thúc giục trả kết quả sớm, Đại tá Khanh luôn đảm bảo nguyên tắc mình phải là người đọc kết quả cuối cùng để khẳng định chính xác nhất kết quả xét nghiệm.

“Trong xét nghiệm ADN xác định huyết thống, trả lời sai sẽ là một bi kịch mới cho chính gia đình đó. Chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại tư vấn, như việc ở một trung tâm xét nghiệm khẳng định cha con cùng huyết thống sau khi xét nghiệm bộ kit với 23 locus gen, trong đó 2 locus gen khác nhau; có trường hợp thì ngược lại, thấy khác 1 locus gen đã vội vàng khẳng định không cùng huyết thống. Đó là sự võ đoán, chủ quan, có thể tạo nên bị kịch do kết luận sai”, Đại tá Khanh cho biết.

Đại tá Khanh giải thích, bất cứ hệ gen nào của con người đều xảy ra đột biến. Trong trường hợp này để khẳng định có quan hệ huyết thống hay không sẽ phải làm thêm các bộ kit khác nhau có các locus gen khác nhau, nếu xuất hiện thêm nhiều locus khác biệt mới có thể khẳng định không cùng huyết thống.

“Để đảm bảo kết quả xét nghiệm không chỉ phụ thuộc vào máy móc, trang thiết bị mà còn cả quy trình lấy mẫu, đặc biệt là việc đọc kết quả. Tôi cũng cho rằng, nếu có bất cứ băn khoăn nào về kết quả xét nghiệm ở các trung tâm, khách hàng hoàn toàn có thể đề nghị làm lại bởi kết quả không chuẩn liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có cả việc khách hàng cố tình làm nhiễm mẫu, kĩ năng xét nghiệm, đọc kết quả… Dù đã vài chục năm trong lĩnh vực này nhưng tôi không cho phép bản thân chủ quan, luôn là người đọc kết quả cuối cùng, kí nhận cuối cùng đảm bảo kết quả chuẩn nhất”, Đại tá Khanh cho biết.

Hồng Hải