Cô gái có 6 loại giun sán ký sinh trong người vì món rau này
(Dân trí) - Kết quả xét nghiệm ký sinh trùng, trong 8 loại giun sán thì nữ bệnh nhân này dương tính đến 6 loại.
Sau khi phát hiện thấy đốt sán mỗi lần đi vệ sinh, chị Hà (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, sống tại Hà Nội vội đi mua thuốc giun về uống. Tuy nhiên, vài tháng sau, chị Hà tiếp tục đi vệ sinh ra đốt sán nên quyết định đến bệnh viện.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, BS Lê Văn Thiệu - Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, kết quả xét nghiệm ký sinh trùng 8 loại giun sán thì nữ bệnh nhân này dương tính đến 6 loại.
"Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với nhiều loại giun sán hay gặp như: giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn, sán lá gan bé, sán dây bò… Mặc dù bệnh nhân có uống thuốc giun trước đó nhưng vì đầu sán vẫn còn trong hệ tiêu hóa nên tiếp tục nhân lên", BS Thiệu cho hay.
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân Hà chia sẻ rằng, mặc dù không ăn tiết canh nhưng lại hay ăn rau sống. BS Thiệu xác định đây rất có thể là nguồn lây truyền giun sán cho bệnh nhân.
Trên thực tế lâm sàng, BS Thiệu cho biết, thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm giun sán do thói quen sinh hoạt hàng ngày, ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Các trường hợp này thường sẽ cùng lúc nhiễm nhiều loại giun sán khác nhau.
"Ngoài một số loại xâm nhập qua da, đa phần giun sán lây truyền qua con đường ăn uống. Nguyên nhân phổ biến là do bệnh nhân ăn thức ăn chưa được nấu chín kỹ hoặc thực phẩm không hợp vệ sinh có chứa trứng hoặc ấu trùng sán thì có thể nhiễm bệnh", BS Thiệu cho hay.
Điển hình như sán lá gan thường lây truyền cho con người khi ăn các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau nhút, cải xoong, rau cần… chưa được nấu chín. Bên cạnh đó, không chỉ tiết canh, rau sống, gỏi, thói quen ăn các món thịt tái cũng khiến người dân đối mặt với nguy cơ nhiễm giun sán.
"Sán dây bò thường ký sinh trong phần thịt nạc của bò và đặc biệt là trong cơ quan nội tạng. Ngoài ra, nó có thể ký sinh lạc chỗ trong một số loài động vật khác như lợn. Do đó, nếu chúng ta ăn các món từ thịt, nội tạng bò, lợn chưa được nấu chín thì hoàn toàn có nguy cơ nhiễm sán.
Phở bò tái hoặc bò tái nhúng lẩu, bò bít tết tái là những món ăn khoái khẩu có thể khiến thực khách bị nhiễm sán. Ngoài ra, khi ăn nem chua nhưng chưa đủ độ chua cũng có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ này", BS Thiệu cảnh báo.
Các loại giun sán khi vào cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Khi sán dây bò vào cơ thể thường ký sinh ở hệ tiêu hóa. Tại đây, sán hút các chất bổ dưỡng và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non. Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa...
Trong khi đó, với sán lá gan khi đi vào cơ thể theo đường tiêu hóa và khu trú thường là ở gan tạo nên các ổ áp-xe gan.
Với bệnh sán lợn, từ trong ruột, các ấu trùng sán sẽ xâm nhập mạch máu và di cư đến khắp nơi gây ra những nốt cứng ở bắp thịt, nhiều nhất là ở mô dưới da, não và mắt. Trường hợp này, người là ký chủ trung gian. Nang sán lợn có thể gây bệnh viêm màng não, tổn thương não gây động kinh, giảm thị lực hay mù mắt...
Để phòng tránh việc lây nhiễm các loại giun sán, BS Thiệu khuyến cáo người dân cần tuân thủ các nguyên tắc:
- Vệ sinh ăn uống, không ăn thịt sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm bệnh.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Phát hiện và tẩy sán kịp thời nếu bị nhiễm bệnh.