1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Có được uống rượu bia sau khi tiêm vắc xin Covid-19?

Minh Nhật

(Dân trí) - Mới đây, hình ảnh một tờ giấy xác nhận đã tiêm phòng Covid-19 có kèm theo khuyến cáo "Không dùng thức uống có cồn trong vòng 50 năm" được lan truyền rộng rãi trên mạng đã khiến dư luận hoang mang.

"Khuyến cáo kiêng rượu bia 50 năm sau khi tiêm vắc xin Covid-19 là thông tin không đúng", đó là khẳng định của TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

Theo TS Điền, vắc xin Covid-19 còn rất mới. Loại vắc xin này được nghiên cứu và sản xuất trong thời gian chưa đầy một năm và đều thuộc diện cấp phép sử dụng khẩn cấp. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu về tác động của rượu bia với vắc xin Covid-19.

Có được uống rượu bia sau khi tiêm vắc xin Covid-19? - 1

Tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, người dân vẫn được khuyến cáo không nên uống rượu bia sau khi tiêm vắc xin Covid-19.

"Đồ uống có cồn như rượu bia khi uống nhiều có thể gây ức chế miễn dịch. Trong khi đó, mục đích của tiêm vắc xin là để cơ thể tạo miễn dịch với mầm bệnh. Do đó, không nên uống rượu bia sau khi tiêm vắc xin", TS Điền phân tích.

Theo các chuyên gia, tất cả các loại vắc xin phòng Covid-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường. Điều này có nghĩa là, vắc xin đã được chứng minh có hiệu quả mà không cần bất kỳ chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào. Tuy nhiên, một thực đơn ăn uống khoa học, hợp lý sẽ hỗ trợ tốt cho nhu cầu của cơ thể, kể cả trước và sau khi tiêm vắc xin.

Người dân không cần kiêng các loại thức ăn và đồ uống nếu không có tiền sử dị ứng với những thực phẩm này. Chúng ta cũng cần hoạt động thể chất nhẹ nhàng, uống nhiều nước để giảm thiểu các tác dụng phụ thông thường của vắc xin. 

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia, để đảm bảo mũi tiêm an toàn, trước khi tiêm chủng người dân cần phối hợp với nhân viên y tế, khai báo đầy đủ tiền sử bệnh tật, dị ứng, sử dụng các thuốc trong thời gian gần đây nếu có. Sau khi tiêm, cần chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong thời gian 3 tuần. Nếu có các dấu hiệu bất thường nghiêm trọng như khó thở, tím tái, tê môi, đau ngực, đau đầu dữ dội, đau bụng, phát ban, chóng mặt..., thì cần đến ngay các cơ sở y tế được phát hiện và xử trí kịp thời. 

Ngoài ra, người tiêm có thể gặp một số phản ứng thông thường như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh... Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp chỉ kéo dài 1-2 ngày.