Có đặc điểm này bạn dễ mắc ung thư khoang miệng
(Dân trí) - Hút thuốc lá, uống rượu hay răng có bờ sắc cạnh, ăn nhiều thực phẩm cay, nhiễm virus HPV, herpes… đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng.
Ung thư khoang miệng là bệnh ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như lợi, lưỡi, môi, má, vòm việng, sàn miệng. Ung thư biểu mô khoang miệng chiếm 30-40% các ung thư vùng đầu cổ.
Các yếu tố nguy cơ cao gây ung thư miệng bao gồm:
Thói quen sống
Hút thuốc lá và uống rượu là 2 nguyên nhân chính dẫn đến các ung thư ở đầu cổ trong đó có ung thư khoang miệng.
Thói quen ăn trầu, vệ sinh răng miệng kém... gây nên những tổn thương trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.
Bệnh tật
Nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu Fanconi... hay các tổn thương tiền ung thư khác trong khoang miệng như bạch sản, hồng sản, viêm nấm candida quá sản mãn tính, các vết loét do sang chấn liên tục kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng.
Như vậy, bằng cách loại trừ các nguy cơ này, người bệnh có thể phòng tránh ung thư miệng hiệu quả hơn.
Dấu hiệu, triệu chứng của căn bệnh ung thư miệng
- Đau hoặc loét không liền hoặc chảy máu.
- Răng lung lay không tìm ra nguyên nhân.
- Xuất hiện mảng trắng hoặc đen, đỏ trong khoang miệng.
- Cảm thấy khó nhai, khó nuốt.
- Miệng có tổn thương dạng xơ cứng, dạng chồi bông cải.
- Khó cử động lưỡi hoặc hàm.
- Sụt cân không mong muốn.
Tuy nhiên, đây không phải là những dấu hiệu chắc chắn của ung thư miệng, mà còn có thể do các bệnh khác, chẳng hạn như dị ứng hoặc viêm nhiễm.
Phát hiện sớm ung thư khoang miệng
Ung thư khoang miệng là loại ung thư hay gặp ở vùng đầu cổ, liên quan tới hút thuốc lá, ăn trầu, uống rượu... Nó được xếp vào nhóm có thể phát hiện sớm.
Để có thể phát hiện sớm bệnh, mỗi người nên quan sát khoang miệng qua soi sương mỗi khi đánh răng hằng ngày. Khi thấy những vết, mảng hơi đỏ hoặc trắng ở niêm mạc miệng, vết thương ở khoang miệng khó liền, chảy máu ở khoang miệng, vết loét hoặc những nốt sùi, há miệng bị hạn chế, sờ thấy u cục bất thường ở vùng đầu cổ cần đến bác sĩ chuyên khoa khám.
GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) khuyên nên khám kiểm tra ung thư khoang miệng 3 năm một lần đối với người trên 20 tuổi và hàng năm đối với những người trên 40 tuỏi, đặc biệt những người hút thuốc lá, thuốc lào.
Điều trị ung thư miệng
Có 3 biện pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Với các ung thư miệng đến sớm, việc điều trị có thể tiến hành bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tùy theo tiến triển của khối u mà áp dụng các mức độ điều trị phẫu thuật khác nhau như cắt bỏ khối u đơn thuần, cắt u và nạo vét hạch cổ, cắt u, nạo vét hạch cổ kèm phẫu thuật tái tạo.
Xạ trị được sử dụng phối hợp trước hoặc sau phẫu thuật để tăng thêm hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị nó cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như khô miệng, sâu răng, loét, chảy máu khoang miệng, hoại tử xương hàm...
Hóa trị liệu có thể dùng phối hợp với xạ trị để làm tăng tác dụng của xạ trị. Việc điều trị có thể gây ra những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rụng tóc.