1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Co cơ hay chuột rút: Nguyên nhân và cách chữa

(Dân trí) - Co cơ là hiện tượng cơ bị co rút lại bất ngờ, mạnh và ngoài tầm kiểm soát của người bị co cơ. Co cơ gây ra đau đớn và có thể khiến các vận động viên không thể tiếp tục tập luyện, thi đấu hoặc làm cho người đang ngủ đột ngột tỉnh giấc giữa đêm.

Co cơ còn được gọi là chuột rút và xảy ra khi cơ bị mỏi và không thể nghỉ ngơi được. Trong tình huống này, giãn cơ là biện pháp xử lý tốt nhất. Ngoài ra, thường xuyên tập thể dục và duy trì lối sống lành mạnh cũng góp phần giảm nguy cơ bị chuột rút.

Phụ nữ trong thời gian có kinh nguyệt cũng có thể bị co cơ nhưng vì lí do khác chứ không phải do cơ bắp hoạt động quá sức. Bác sĩ có thể kê thuốc để làm giảm triệu chứng này cho họ. Tuy nhiên, nếu bị chuột rút quá nhiều hoặc thường xuyên thì có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

Co cơ hay chuột rút: Nguyên nhân và cách chữa - 1

Co cơ hay chuột rút có thể khiến các vận động viên thể dục giỏi nhất phải ngừng hoạt động ngay trong cuộc thi. Vận động viên Trent Forrest của Mỹ đã ngã do bị chuột rút ở chân trong một trận đấu ngày 12/1/2019.

Nguyên nhân bị chuột rút khi tập luyện thể dục thể thao?

Các nhà nghiên cứu đã giả định rằng chuột rút khi luyện tập có thể do mất cân bằng điện giải hay bị mất nước, nhưng giả định này chỉ là dựa trên những nhận định chưa được chứng minh khoa học. Nhiều chuyên gia cho rằng bằng chứng khoa học vững chắc nhất cho thấy nguyên nhân của hiện tượng chuột rút chính là sự phối hợp chuệch choạc giữa gân của cơ với hệ thống thần kinh.

Theo khảo sát năm 2009 của bác sĩ Martin Schwellnus – Giáo sư của Trường đại học Pretoria, Nam Phi và cũng là nhà vật lý học chuyên về các loại thuốc dùng trong thể thao – thì sự phối hợp không chuẩn xác gây ra chứng co cơ khi tập thể thao (EAMC) là do cơ bị mỏi mệt mà ra.

Cơ bắp thường xuyên có sự trao đổi thông tin với hệ thần kinh, báo cho hệ thần kinh biết cơ bắp bị căng hay bị co. Khi cơ bắp mệt mỏi, các tín hiệu giữa gân và hệ thần kinh trung ương bị rối loạn, thay vì ra hiệu cho cơ bắp co lại rồi nghỉ ngơi thì hệ thần kinh trung ương lại gửi tín hiệu cho cơ tiếp tục co. Tín hiệu nghỉ ngơi không được gửi đi và dẫn đến cơ bắp bị chuột rút.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Malcolm Collins, chuyên gia về khoa học thể dục vận động và thuốc thể thao của Trường đại học Cape Town, Nam Phi, nếu bạn hay bị chuột rút thì có thể bạn có khuynh hướng di truyền về loại collagen trong gân, và như vậy bạn rất dễ bị chuột rút lặp lại nếu bạn đã từng bị như thế khi tập luyện và nếu bạn đã từng bị tổn thương gân hay dây chằng. . 

Cách tốt nhất để chữa chuột rút ngay tức thì là phải chủ động giãn cơ bị co, giãn cơ ngay lập tức để cho cơ hết co và cho phép cơ nhận tín hiệu nghỉ ngơi do hệ thần kinh gửi đến.

Đơn giản nhất để phòng chuột rút trong và sau khi tập luyện là không tập quá sức Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những vận động viên thể dục bị chuột rút thường do gắng sức chạy nhanh hơn tốc độ thông thường họ vẫn chạy. Tập luyện trong điều kiện môi trường nóng hoặc ẩm cũng dễ gây mệt mỏi hơn và sẽ làm cơ bắp mỏi mệt nhanh hơn. Bù nước và tạo điều kiện thoải mái trong khi tập luyện cũng sẽ giúp cơ bắp không bị suy kiệt để không bị chuột rút.

Chuột rút trong khi ngủ

Có nhiều người không bị chuột rút khi tập luyện mà lại bị vào giấc ngủ giữa đêm, và rất đau.

Hiện tượng này xảy ra nhiều hơn đối với người già và những người có vấn đề về sức khỏe, như là người bị căng thẳng, tiểu đường hoặc tim mạch. Những người bị rối loạn giấc ngủ cũng dễ bị chuột rút ở chân trong khi ngủ.

Khi bị như vậy, cách duy nhất là phải làm động tác giãn cơ ngay. Ngoài ra, giãn cơ trước khi đi ngủ cũng có tác dụng giảm nguy cơ bị chuột rút trong đêm. Một số loại thuốc cũng có tác dụng phòng và điều trị chuột rút. Tuy nhiên, cách tốt nhất là nâng cao sức khỏe tổng thể.

Một cách đơn giản khác cũng có tác dụng phòng chuột rút trong đêm là không cài mép chăn ở cuối giường để cho bàn chân có không gian nghỉ ngơi thoải mái, không bị gập. Nếu bàn chân ở tư thế duỗi căng lâu quá, cơ bụng chân sẽ phải làm việc, tức là bị co lại và dễ gây ra chuột rút.

Co cơ hay chuột rút: Nguyên nhân và cách chữa - 2

Chủ động giãn cơ cho cơ bị co rút là cách tốt nhất để giảm đau khi bị chuột rút.

Co thắt cơ trong kì kinh nguyệt

Không như chuột rút do luyện tập hay chuột rút trong đêm, hiện tượng chuột rút hay co thắt cơ khi có kinh không liên quan đến sức khỏe tổng thể. Phụ nữ đến kì có thể bị đau do tác dụng phụ của việc co thắt cơ dạ con tự nhiên trong chu trình kinh nguyệt.

Có một số loại thuốc có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp làm giảm co thắt tử cung. Với một số phụ nữ thì thuốc tránh thai đường uống cũng có tác dụng giảm đau trong giai đoạn này.

Nếu trong kì kinh mà bị chuột rút nặng và dùng thuốc không có tác dụng thì đó có thể là do bênh lý, ví dụ người đó bị lạc nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung. Khi đó, người bệnh cần được bác sĩ chỉ định làm thêm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.

Phạm Hường 

Theo Live Science

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm