Có cần thiết phải tiêm chủng?
Có cần thiết phải tiêm phòng? Nên tiêm những bệnh gì? Vì sao có tai biến sau khi tiêm?... Dược sĩ Đỗ Tường Phước - Giám đốc khoa học Công ty Sanofi Pasteur VN, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa TPHCM, tu nghiệp thạc sĩ y học cộng đồng tại Hà Lan và Pháp cho biết:
Với trẻ em, việc tiêm ngừa là rất cần thiết. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo nên tiêm phòng các loại bệnh nguy hiểm. Việc tiêm văcxin phòng một bệnh nào đó có thể tốn 10 USD, nhưng nếu không tiêm khi bị bệnh có thể tốn đến hàng trăm USD.
Nhưng thưa ông, sau vụ bảy trẻ em dưới 2 tuổi bị tai biến (một đã tử vong) khi tiêm ngừa văcxin Priorix Varilrix ở Q.5, TPHCM khiến nhiều người lo lắng?
Nhiều năm qua Bộ Y tế VN đã thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, phòng 6 loại bệnh nguy hiểm, có biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao, theo khuyến cáo của WHO. Đó là bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi và bại liệt. Gần đây bổ sung thêm bệnh viêm gan siêu vi B. Ngoài ra, trẻ em ở một số địa phương có lưu hành dịch tễ bệnh viêm não Nhật Bản cao cũng được Nhà nước hỗ trợ tiêm miễn phí.
Không nên vì một vài ca tai biến mà bà con hoang mang, không đi tiêm phòng!
Tại VN còn lưu hành nhiều loại bệnh khác như viêm màng não mủ, viêm não Nhật Bản, thủy đậu... Vậy có cần thiết tiêm ngừa thêm những bệnh này không?
Những vùng nào có lưu hành loại dịch bệnh gì cũng nên tiêm ngừa. Như bệnh viêm màng não mủ là bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi và có thể để lại di chứng không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, cũng nên tiêm ngừa viêm não Nhật Bản, viêm gan siêu vi B.
Nếu phụ huynh có điều kiện có thể cho trẻ tiêm ngừa thêm các bệnh thủy đậu, sởi, quai bị, rubella... Riêng các bệnh viêm màng não hay viêm não do virus... đến nay chưa có văcxin thì phải phòng bệnh theo cách khác.
Gần đây có những loại văcxin chỉ cần tiêm một mũi nhưng có thể phòng được 4, 5 bệnh. Nhiều người lo lắng có khi không tốt cho cơ thể?
Có những văcxin đa tác dụng tiêm một mũi nhưng bảo vệ cơ thể không bị mắc đến 5 bệnh. Điều này không có hại cho sức khỏe mà còn có một số thuận lợi là cha mẹ không phải mất thời gian đưa trẻ đi tiêm nhiều lần; trẻ đỡ đau do không phải tiêm nhiều lần; việc quản lý, bảo quản kho thuốc cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, văcxin đa tác dụng luôn có giá thành cao hơn văcxin phòng từng bệnh đơn lẻ.
Ông có thể cho biết khi nào thì không nên tiêm phòng? Một người tiêm nhiều lần, tiêm liên tục một số văcxin phòng bệnh thì có ảnh hưởng cơ cánh tay hay không?
Nếu đang bị sốt, bị bệnh, cơ thể suy nhược... thì không nên tiêm. Việc tiêm chủng đã có từ 50-60 năm nay, nhưng cho đến nay chưa có tài liệu nào nói đến việc tiêm chủng nhiều lần, liên tục có ảnh hưởng đến cơ bao giờ. Hơn nữa, lịch tiêm chủng ở trẻ em đã được WHO, Bộ Y tế VN có phác đồ hướng dẫn các cơ sở y tế để đảm bảo tạo kháng thể sớm cho trẻ mà vẫn an toàn, hợp lý.
Tiêm chủng ở đâu?
Việc tiêm phòng các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được Bộ Y tế triển khai đến tận các trạm y tế phường xã. Sau khi trẻ sinh, phụ huynh đưa trẻ đến các trạm y tế phường để tiêm phòng miễn phí.
Đối với những bệnh chưa nằm trong chương trình, có thể đến Viện Pasteur TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2, 24 đội y tế dự phòng quận huyện và một số bệnh viện sản, bệnh viện tư nhân được phép tiêm ngừa của Sở Y tế TPHCM. |
Việc tiêm chủng văcxin là đưa vào cơ thể người một kháng nguyên (protein) về một loại bệnh nhằm để cơ thể của người được tiêm ngừa tạo ra kháng thể chống lại bệnh đó. Việc đưa một protein lạ vào cơ thể thường cơ thể sẽ chống lại. Phản ứng dễ gặp sau tiêm là sốt, đau, đỏ, sưng nơi tiêm. Đây là phản ứng phụ gần như loại văcxin nào cũng có.
Có khi có thêm nổi hạch, tiêu chảy, dị ứng (mẩn đỏ da, ngứa), môi tím tái. Tuy nhiên, phản ứng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ còn tùy thuộc cơ địa, sức đề kháng của mỗi người. Những phản ứng này thường không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu chỉ là phản ứng thông thường, sốt nhẹ, nổi hồng ban khu trú nơi tiêm... chỉ cần theo dõi ở nhà, uống thuốc hạ sốt, giảm đau. Trường hợp có sốt cao, uống thuốc hạ sốt mà không hạ được, nơi tiêm sưng to, tím tái môi, đầu chi, nổi đỏ da nhiều... nên đến bệnh viện khám để được theo dõi, điều trị.
Kỹ thuật tiêm sai, không đảm bảo vô trùng có thể gây tai biến cho người tiêm phòng không, thưa ông?
Việc tiêm phòng phải đảm bảo đúng kỹ thuật, phải vô trùng tuyệt đối. Trước khi tiêm thông thường phải làm cho văcxin “nguội” bằng nhiệt độ bình thường. Không lấy văcxin còn đang ở nhiệt độ 20độ C đem ra tiêm liền. Đồng thời phải lắc trộn thật đều mới lấy ra tiêm.
Khi tiêm, tuyệt đối không được tiêm vô mạch máu, tránh tiêm vô hạch bạch huyết vì có thể gây ra phản ứng phụ khác như sưng, viêm chỗ tiêm. Khi tiêm phải lấy bông gòn có alcohol để sát trùng ngoài da, đợi alcohol bay hơi rồi mới tiêm. Tiêm xong dùng bông gòn sạch vô trùng đắp lên. Không được lấy bông gòn có alcohol đắp lên vết tiêm vì có thể giết chết virus hoặc vi khuẩn tạo ra kháng thể.
Xin cảm ơn ông.
Theo Lê Thanh Hà
Tuổi trẻ